Với mong muốn dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; xã hội công bằng, dân chủ và phát triển là ước nguyện, là lẽ sống của Người. Bởi vậy, cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành chọn cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại khỏi xiềng xích nô lệ. Đạo đức của Người luôn được thể hiện qua tư tưởng và hành động, trong suy nghĩ và cách ứng xử với mọi người, mọi tình huống.
Chủ tịch là một con người bình thường nhưng vô cùng vĩ đại. Tấm gương đạo đức Hồ Chí minh là một tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người cộng sản vĩ đại, nhưng đó đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường. Nói đến đạo đức của Bác là nói đến những điều dung dị, bình thường trong mọi hành động, cử chỉ, việc làm chứ không phải là thứ gì cao siêu, khó hiểu và ai cũng có thể học theo để làm Người - con người cách mạng, người công dân có ích cho xã hội.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một lãnh tụ hết lòng thương yêu, quý trọng đối với nhân dân, luôn luộn tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, cho nên mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của nhân dân, luôn luôn dựa vào dân. " Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong" và "dân là gốc"... với triết lý ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục cán bộ phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bởi "nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì".
Để làm tròn trách nhiệm là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Người dạy cán bộ phải gần dân, hiểu tâm lý, nguyện vọng của dân, lắng nghe ý kiến của dân để có những cách ứng xử hợp lòng dân. Người cán bộ không được cậy quyền cậy thế, đè đầu cưỡi cổ dân. Làm cán bộ là làm đầy tớ cho dân, trung thành, phụng sự nhân dân suốt đời mới là người cán bộ tốt. Mặc dù là Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc, nhưng bản thân Người luôn quan tâm, gần gũi nhân dân. Người coi việc phải gánh chức Chủ tịch cũng như việc "người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra mật trận". Nhận được thư, quà chúc mừng của nhân dân, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn một cách thân tình, chu đáo, nêu một tấm gương ứng xử rất văn hóa, đầy khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực. Bác luôn dành"muôn vàn tình thân yêu" đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu thương đó, có chỗ cho mọi người, không quên, không bỏ sót một ai. Người vui với hạnh phúc của nhân dân, đau với nỗi đau của dân. Người nói một cách cảm động: "Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng; gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi".
Tình thương yêu đó không chỉ đối với nhân dân Việt nam mà đối với toàn thể nhân dân lao động trên toàn thế giới. Đối với những người lầm lạc, ngay cả đối với những người chống đối hay kẻ thù, Người cũng thể hiện một lòng khoan dung, độ lượng hiếm có. Kẻ thù xâm lược đã gây nên bao tội ác man rợ đối với nhân dân ta, nhưng khi chúng đã thất thế, đầu hàng hay bị bắt, Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải đối xử với chúng một cách khoan hồng, phải làm "cho thế giới biết rằng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước".
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường. Cần kiệm, giản dị, ít lòng ham muốn về vật chất, đó là "tư cách của người cách mạng". Người đề ra và tự mình gương mẫu thực hiện. Một cốt cách giản dị, một sự giản dị vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần kiệm, liêm chính... tất cả những phẩm chất cao đẹp của Người đã tạo nên một cốt cách giản dị, một sự giản dị đến vĩ đại. Nét nổi bật trong đạo đức Hồ Chí Minh là sự khiêm tốn phi thường. Mặc dù có công lao rất lớn, Người không để ai sùng bái cá nhân mình, mà luôn luôn nêu cao sự nghiệp anh hùng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Người nói: Quần chúng mới là người làm nên lịch sử và lịch sử là lịch sử của chính họ chứ không phảl của một cá nhân anh hùng nào.
Bác đã ra đi, nhưng tư tưởng đạo đức của Người luôn sáng mãi. Những câu chuỵện kể về Bác Hồ mãi là những bài học qúy giáo nhằm giáo dục các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay cần học tập và làm theo để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.
VD