Mục tiêu hướng tới trong việc phát triển TDTT là phát triển TDTT nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân; tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động TDTT quần chúng; đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất trong học đường; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; đồng thời đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao.
Qua đó, đến năm 2015, riêng ở mảng TDTT quần chúng, tỉnh Gia Lai phấn đấu đạt tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 28% - 30% trên tổng dân số; Tỷ lệ gia đình tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 23% số hộ; Số giải thể thao cấp tỉnh được tổ chức hàng năm là 15 - 20 giải; Số câu lạc bộ, phòng tập TDTT đến năm 2015 có từ 250 – 300 và Tập luyện thể dục thể thao ngoại khóa thường xuyên phấn đấu đạt 60% - 65% trên tổng số trường.
Từng bước nâng cao thành tích thi đấu của thể thao thành tích cao của tỉnh. Phấn đấu từ nay đến năm 2015 giữ vững vị trí trong tốp 3 của khu vực các tỉnh Tây Nguyên, tốp 5 của các tỉnh miền núi toàn quốc và vị trí trung bình so với cả nước, đặc biệt là tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - 2014 tại Nam Định.
Phấn đấu đến năm 2015 đào tạo trên 200 vận động viên, trong đó có khoảng 120 vận động viên năng khiếu các môn: Bóng đá (các tuyến); điền kinh (cự ly trung bình + dài + ném đẩy); các môn võ Whusu (tán thủ), Vovinam, PencakSilat, Taekwondo, Cờ tướng, Cử tạ - thể hình, Bóng chuyền và các môn thể thao dân tộc truyền thống... Từ số VĐV này sẽ tập trung đào tạo, huấn luyện để có từ 15 - 20 vận động viên được tập trung đội tuyển quốc gia.
Bên cạnh việc nâng cao thành tích của các VĐV, tỉnh Gia Lai sẽ tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở và đăng cai tổ chức tốt các Giải, Hội thi thể thao cấp khu vực và toàn quốc như: Giải bóng đá V-League, bóng đá các lứa tuổi khu vực và toàn quốc, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II năm 2013; các giải, hội thi thể thao khác khi được sự đồng ý của UBND tỉnh, sự ủy quyền của Tổng cục TDTT và các Liên đoàn thể thao quốc gia.
Để thực hiện thành công các mục tiêu cụ thể trên, tỉnh Gia Lai cũng đã xây dựng 3 nhiệm vụ cụ thể là: Nhiệm vụ về phát triển thể dục thể thao cho mọi người; Nhiệm vụ về phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; Nhiệm vụ về xã hội hóa thể dục thể thao. Qua đó, đề ra các giải pháp thực hiện như: Đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ các hoạt động TDTT quần chúng ở xã, phường, trường học, các cơ sở câu lạc bộ; Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền các Chỉ thị, chương trình của Chính phủ, UBND tỉnh về các hoạt động TDTT; Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp đối với sự nghiệp phát triển TDTT; Xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ TDTT theo các quy định mới của Chính phủ; Tiếp tục đổi mới công tác quản lý hoạt động của các đơn vị sự nghiệp TDTT; Thực hiện tốt chương trình GDTC trong trường học; Tăng cường công tác thông tin - truyền thông;
Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn tuyển chọn về chuyên môn cho từng môn ở từng tuyến; Tập trung đào tạo bồi dưỡng huấn luyện viên; Tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong công tác huấn luyện nâng cao thành tích; Tập trung đầu tư sâu hơn cho công tác đào tạo tài năng thể thao của tỉnh; Từng bước hiện đại hóa hệ thống đào tạo tài năng thể thao của tỉnh.
Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động thể dục, thể thao; Từng bước chuyển giao hoạt động tác nghiệp về thể thao cho các tổ chức Hội, Liên đoàn thể thao và các cơ sở ngoài công lập; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các Hội, Liên đoàn thể thao của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội này; Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành trong giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; Tập trung, đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất thể thao.
V.A (theo Quyết định số 689 /QĐ-UBND)