Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020 đã đề ra những chỉ tiêu phát triển cụ thể cho TDTT Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, về lĩnh vực TDTT quần chúng: Số người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đến năm 2015 đạt tỷ lệ 28% và năm 2020 đạt 33% dân số; Số gia đình luyện tập thể dục thể thao đến năm 2015 đạt 22% và năm 2020 đạt 25% số hộ gia đình trong toàn quốc; Số trường học phổ thông có câu lạc bộ thể dục, thể thao, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động thể dục, thể thao, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên thể dục, thể thao, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2015 đạt 45% và đến năm 2020 đạt từ 55 – 60% tổng số trường.
Về thể thao thành tích cao, chỉ tiêu đề ra là: giữ vững vị trí trong top 3 của thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games); Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 45 vận động viên vượt qua các cuộc thi vòng loại, có huy chương tại Đại hội Thể thao Olympic lần thứ 32;
Chiến lược cũng đề ra các môn thể thao trọng điểm bao gồm: 10 môn thể thao trọng điểm loại I (Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Taekwondo, Vật (hạng cân nhẹ), Bắn súng, Karatedo, Boxing (nữ), Cầu lông, Bóng bàn và 22 môn thể thao trọng điểm loại 2 (Bóng đá, Bóng chuyền, Judo, Wushu, Cầu mây, Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ, Pencak Silat, Bắn cung, Xe đạp, Cờ vua và Cờ tướng, Bi sắt, Lặn, Bóng ném, Dance Sport, Sport Aerobic, Quần vợt, Thể hình, Canoe-Kayak, Rowing, Billiard-Snooker và Vovinam);
Dưới đây là toàn văn nội dung Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020