You must configure this module first via "Module Settings"

Kết quả thực hiện công tác Xã hội hoá TDTT ở Khánh Hoà giai đoạn 2007-2011

Trong những năm gần đây khi thực hiện sáp nhập các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình thành đơn vị quản lý đa ngành, đa lĩnh vực việc đẩy mạnh công tác Xã hội hoá ở từng lĩnh vực được ngành VH,TT&DL tỉnh Khánh Hoà triển khai, thực hiện triệt để nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP và Chỉ thị số 32/2008/CT-BVHTTDL về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, công tác xã hội hoá ở lĩnh vực TDTT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào TDTT ở Khánh Hoà thêm phát triển.

Sau 4 năm (2007 - 2011) triển khai đề án xã hội hoá lĩnh vực TDTT trên địa bàn tỉnh, các phong trào thể dục, thể thao quần chúng ở Khánh Hòa đã phát triển cả về chất và lượng. Ước tính, hiện trên toàn tỉnh có khoảng 400 câu lạc bộ, điểm tập thể thao, thu hút trên 300 nghìn người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên (chiếm 26,5% dân số toàn tỉnh). 90% trường học các cấp thực hiện chương trình giáo dục thể chất.

Cùng với sự phát triển về Thể thao quần chúng, Thể thao thành tích cao của Khánh Hoà cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Trung bình mỗi năm có từ 5 - 10 VĐV tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu tại các giải quốc tế và đạt ít nhất 3 - 5 huy chương các loại. Đội bóng đá Khatoco Khánh Hòa thi đấu và đạt thành tích ổn định ở hạng chuyên nghiệp; đội bóng chuyền nam trong nhà đoạt chức vô địch giải quốc gia (năm 2008), đội bóng chuyền bãi biển đạt hạng 5 giải bóng chuyền bãi biển châu Á (năm 2007)… Hằng năm, Khánh Hoà tổ chức  khoảng 30 giải thể thao cấp tỉnh và hơn 160 giải cấp huyện; đồng thời tham gia 70 giải thể thao toàn quốc và giải quốc tế.

Trong đó đáng chú ý là toàn tỉnh Khánh Hoà hiện có 18 địa điểm được quy hoạch cho xã hội hoá TDTT với tổng diện tích là 376.599m2. Hầu hết các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện đều có quỹ đất để xây dựng các sân tập, nhà tập thể thao phục vụ cho nhu cầu tập luyện TDTT cũng như giải trí của nhân dân. Theo báo cáo của ngành TDTT Khánh Hoà, số cơ sở TDTT ngoài công lập chiếm khoảng 85% trên tổng số cơ sở thể thao toàn tỉnh. Tỉ lệ kinh phí thu được từ nguồn vận động tài trợ và nguồn dịch vụ của các trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện mỗi năm tăng từ 15 - 20%, tỉ trọng vốn đầu tư của các tổ chức doanh nghiệp tăng từ 8 - 10 tỉ đồng mỗi năm.

Với những chính sách khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT đã thực sự là đòn bẩy để TDTT Khánh Hoà phát triển nhanh, mạnh và hiệu quả. Số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đầu tư cho TDTT ngày càng tăng. Chỉ riêng thành phố Nha Trang có khoảng trên 20 CLB Bóng đá sân cỏ nhân tạo được doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng đã góp phần thúc đẩy môn Bóng đá mini của thành phố ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có sự quan tâm đẩy mạnh công tác XHH TDTT, những hoạt động này đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thể thao quần chúng tại các địa phương, đồng thời tạo nền tảng để đẩy mạnh thành tích cao ở các môn thể thao trọng điểm.

Đóng góp vào sự thành công trong công tác xã hội hoá của tỉnh Khánh Hoà phải kể đến những doanh nghiệp như: Tổng Công ty Khánh Việt đã đầu tư xây dựng thành công thương hiệu Câu lạc bộ Khatoco Khánh Hòa tại giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đầu tư xây dựng đội Bóng chuyền nam trong nhà, Bóng chuyền bãi biển, Bóng đá Futsal…

Cùng với việc kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất cho TDTT từ các cá nhân, doanh nghiệp; hàng năm Sở VH,TT&DL tỉnh Khánh Hòa còn nỗ lực trong việc liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao, trong đó nổi bật là các giải thể thao bãi biển cấp toàn quốc và khu vực. Những giải đấu này không những đem lại hiệu quả về kinh tế, mà còn giúp cho ngành TDTT Khánh Hòa đẩy mạnh công tác xã hội thể dục thể thao- nhất là các môn thể thao bãi biển đặc thù đòi hỏi kinh phí lớn như môn Đua mô tô nước, Đua Thuyền buồm...

Những kết quả trên bước đầu cho thấy công tác xã hội hoá TDTT ở Khánh Hoà đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, việc triển khai xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT ở Khánh Hoà vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại: chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở thành phố, công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế...  Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT vẫn là một trong những nhiệm vụ được ngành TDTT Khánh Hoà đặt ra trong phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2012.

VD

Ảnh trong bài
  • Kết quả thực hiện công tác Xã hội hoá TDTT ở Khánh Hoà giai đoạn 2007-2011