Hầu hết các mặt quan trọng về TDTT đối với lợi ích con người về sức khoẻ và tinh thần đều được Hồ Chí Minh đề cập với các quan điểm đúng đắn, sáng tạo. Các quan điểm đó toát lên sự hiện hữu tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT. Tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT bao hàm các quan điểm cơ bản và có vị trí, vai trò to lớn trong nền văn hoá thể chất Việt Nam.
Dân cường làm nên nước thịnh. Điều này có nghĩa sức khoẻ của nhân dân là một trong những nhân tố to lớn quyết định sự phát triển đất nước đi tới “Dân giàu nước mạnh”. Do đó, TDTT phục vụ đắc lực sức khoẻ nhân dân cũng đồng thời góp phần phục vụ công cuộc chấn hưng đất nước. Bởi vậy, các quan điểm khác của Hồ Chí Minh đều nhất quán sự định hướng TDTT phát triển mạnh vì sức khoẻ của nhân dân. Thông qua phục vụ sức khoẻ nhân dân, phục vụ sức khoẻ cho mọi người, TDTT góp phần phục vụ tất cả các hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục… tức là phục vụ sự nghiệp phấn đấu cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh”.
Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ cũng gắn liền với quan điểm yêu nước của nhân dân ta. Bác nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”. Rèn luyện sức khoẻ ở đây cũng hàm chứa cả sức khoẻ về mặt thể chất cũng như tinh thần khi Bác căn dặn: “Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy thì sức khoẻ”. Dân cường thì nước thịnh, với mong muốn đồng bào ai cũng gắng tập thể dục, Bác Hồ còn là tấm gương sáng về rèn luyện khi Người nói: “Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ từ ngày công bố cho đến nay đã được sự hưởng ứng rộng khắp của quần chúng nhân dân trong nước noi gương Người tích cực rèn luyện thân thể. Ở nước ta hiện nay, cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đạo, vừa trùng hợp với ý tưởng của Người, vừa đang biến ý tưởng của Người thành hiện thực.
Với tư tưởng dân cường nước thịnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho ngành TDTT những tư tưởng, tình cảm và sự chăm lo to lớn từ tổ chức bộ máy tới các phong trào TDTT, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ TDTT. Người ân cần căn dặn: “Cán bộ thể dục thể thao thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác. Vì đó cũng là một công tác trong những công tác cách mạng khác”. Tháng 3/1960, tại hội nghị cán bộ TDTT, Người đã xác định và nhấn mạnh TDTT là một công tác cách mạng. Đó là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về TDTT. Tư tưởng lớn đó mang tính chỉ đạo chiến lược: Là một công tác cách mạng, TDTT có vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không chỉ riêng ngành TDTT quan tâm đến sự phát triển TDTT nước nhà mà đó là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của toàn dân, toàn xã hội.
Tư tưởng của Bác về TDTT bao gồm những quan điểm về các vấn đề cơ bản của TDTT Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng, quan điểm TDTT Mác - Lê nin và điều kiện cụ thể của nước ta, tiếp thu những tinh hoa văn hoá thể chất của nhân loại, kế thừa biện chứng các giá trị văn hoá thể chất truyền thống của dân tộc. Tư tưởng của Bác về TDTT luôn luôn định hướng và cổ vũ sự nghiệp phát triển nền TDTT của nước nhà.
Với những ý nghĩa lớn lao, tư tưởng của Hồ Chủ tịch về “Dân cường thì nước thịnh” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường 65 năm đồng hành cùng đất nước của ngành TDTT. Sự nghiệp TDTT vì "Dân cường, nước thịnh" là bộ phận quan trọng trong sự nghiệp Cách mạng của nhân dân ta để tiếp tục hướng tới những tầm cao mới.
A.T