|
Nhân rộng các mô hình CLB các môn thể thao dân tộc là cần thiết(Ảnh: Minh Phượng) |
Bên cạnh các mô hình CLB của các môn thể thao hiện đại thì những năm gần đây việc khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc đã có những bước chuyển đáng khích lệ, trong đó có bộ môn bắn nỏ. CLB bắn nỏ phường Nam Cường thành phố Lào Cai là một điển hình tiêu biểu cần được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng làm thế nào để nhân rộng và phát triển hơn nữa mô hình này, lại là một vấn đề còn bỏ ngỏ.
CLB bắn nỏ phường Nam Cường thành phố Lào Cai được thành lập năm 2007, có 20 hội viên thường xuyên tham gia tập luyện và thi đấu mỗi khi có giải cấp tỉnh cũng như khi được triệu tập tham gia các giải đấu cấp khu vực, toàn quốc. Mặc dù CLB đã đi vào hoạt động được 4 năm nhưng cho đến nay, các bước về thủ tục, hồ sơ để thành lập CLB đang trong quá trình hoàn thiện. Ngay sau khi CLB đi vào hoạt động đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các cấp lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao thông qua giúp đỡ về chuyên môn như cử HLV dày dạn kinh nghiệm về chuyên môn cũng như phương pháp huấn luyện cho các thành viên trong CLB. HLV Nguyễn Hùng Sơn – cán bộ phòng phong trào Trung tâm TDTT đã tham gia huấn luyện và phụ trách về chuyên môn cho CLB ngay từ khi CLB mới đi vào hoạt động cho đến nay. Sự hỗ trợ này đã động viên, khích lệ các thành viên CLB rất lớn. Với sự đam mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm và tận tình, HLV đã góp sức đưa CLB ngày một phát triển, đồng thời tạo dựng niềm tin trong học viên bằng chính hiệu quả tập luyện và thành tích ghi dấu ấn qua các giải thi đấu của các vận động viên (VĐV) thành viên CLB. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, mô hình này còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa phát huy hết hiệu quả. CLB lúc đầu thành lập hoạt động khá sôi nổi nhưng sau đó hoạt động cầm chừng bởi thành viên tham gia sinh hoạt lúc có, lúc không do không có sự ràng buộc về trách nhiệm. Mặt khác, một số thành viên eo hẹp về thời gian vì còn phải làm công việc đồng áng…nên lơ là trong việc tập luyện.
Những năm qua, CLB đã huấn luyện nhiều VĐV tiêu biểu tham gia thi đấu tại một số giải trong nước, khu vực và đạt nhiều thành tích đáng phấn khởi, góp phần làm dày thêm bảng thành tích câu lạc bộ nói riêng và của thành phố nói chung. Một vài điển hình như: VĐV Bùi Văn Mẻo, Sầm Văn Inh, Lâm Văn lập, Vàng Thị Hiền, Bùi Thị Ánh…đã nhiều lần giành huy chương vàng, bạc, đồng tại Hội thi thể thao dân tộc thiểu số của tỉnh và tại Hội thi thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc. Đây chính là lực lượng nòng cốt đem lại nhiều huy chương trong các giải đấu lớn và nó thể hiện rõ ràng là “có luyện có hơn”. Đáng lưu ý nhất là tại các Hội thi thể thao dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai và tại hội thi ở Lễ hội Đền Thượng, các thành viên CLB bắn nỏ phường Nam Cường luôn luôn chiếm ưu thế về số lượng và thành tích huy chương vàng, vượt xa các địa phương khác trong tỉnh.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, ở một tỉnh có nhiều dân tộc chung sống và đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao; cây nỏ là công cụ sinh nhai từ xa xưa, là biểu tượng của tinh thần thượng võ và là khí giới bảo vệ độc lập dân tộc...mà toàn tỉnh chỉ có một câu lạc bộ bắn nỏ thì liệu có quá ít hay không? Hiện nay chỉ có duy nhất một câu lạc bộ bắn nỏ của phường Nam Cường thành phố Lào Cai là luyện tập thường xuyên và thu hút được nhiều gia đình và cá nhân yêu thích bộ môn này tham gia. Trước đây, Bát Xát cũng có CLB bắn nỏ nhưng sau một thời gian đã ngừng hoạt động do các thành viên CLB không hoạt động thường xuyên, liên tục.
Điều đó được thể hiện ở chỗ chưa có một địa phương nào coi trọng và đầu tư cho môn thể thao này như một môn thi đấu quan trọng và có chiến lược phát triển. Do vậy, dụng cụ thi đấu không được định hướng đầu tư chế tác, không xây dựng và phát triển được lực lượng kế cận thường xuyên tập luyện. Trong khi đó, đặc thù của môn bắn nỏ là dụng cụ thi đấu không thể do Nhà nước sản xuất mà do dân tự chế tác; kỹ thuật bắn nỏ chủ yếu tự thân xạ thủ phải rèn luyện đúc rút kinh nghiệm...
Thực trạng nêu trên, khi đi vào các vùng đồng bào dân tộc ít người thấy còn rất hiếm những chiếc nỏ gác trên mái nhà như trước đây và thanh niên cũng ít người luyện tập. Khi có các giải đấu ở cấp xã, phường thì ban tổ chức thông báo để ai muốn tham gia thì tự đăng ký, tự luyện tập để góp mặt. Nhiều VĐV khi được trưng tập luyện tập dài ngày để tham gia thi đấu còn biểu hiện tâm lý kém nhiệt tình vì chế độ bồi dưỡng thấp, việc đồng áng ở nhà không ai cáng đáng.
Nếu chúng ta có thêm nhiều câu lạc bộ bắn nỏ thi đấu tốt như CLB bắn nỏ ở phường Nam Cường thành phố Lào Cai thì liệu thành tích của chúng ta có dừng lại ở mức như vậy không? Nếu đem so sánh mọi lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội và kinh tế của tỉnh Điện Biên thì họ cũng chẳng có gì khác Lào Cai. Thế mà riêng môn bắn nỏ thì họ lại có cách phát triển rất khác với ta. Họ coi môn bắn nỏ thực sự là môn thể thao thế mạnh của một địa phương miền núi và vùng dân tộc thiểu số mà không cần phải đầu tư nhiều nhưng hiệu quả cao.
Trong định hướng phát triển TDTT đến năm 2020 của ngành VH-TT-DL, nêu rõ mục tiêu: khuyến khích phát triển các câu lạc bộ thể thao trong nông thôn, tại các làng, bản, khu dân cư. Kết hợp lồng ghép trong lễ hội truyền thống tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, đặc biệt các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa thu hút sự tham gia tự nguyện của đông đảo nhân dân. Ngành cũng đề ra một số các giải pháp quan tâm, hỗ trợ về trang thiết bị tập luyện, bồi dưỡng chuyên môn với những CLB nòng cốt ở một số môn thể thao thế mạnh ở các địa phương để làm nguồn cung cấp VĐV năng khiếu cho đội tuyển TDTT tỉnh, tạo đà cho thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển./.