|
Thương hiệu ADC- THVL năm 2010 đã gây tiếng vang lớn trong làng Xe đạp Việt Nam (Ảnh: Hữu Phép) |
Mỏ "Vàng"
Ai cũng biết, thuật ngữ “thương hiệu” đã từ lâu được giới kinh doanh sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong việc quảng bá sản phẩm của mình. Ngày nay, các “nhà” kinh tế thường dùng thương hiệu của mình như một món hàng đắt giá. Điều này còn mang lại hiệu quả khác khi thương hiệu đó gắn liền đối với lĩnh vực TDTT. Họ sẽ được lợi nhuận nhiều hơn khi thuê quảng cáo trên diện báo chí. Hiện nay, không chỉ ở tỉnh Vĩnh Long, mà khắp mọi nơi từ hoạt động phong trào đến đỉnh cao, một thương hiệu nào đó đang gắn kết với một số đội, Liên đoàn hay giải thể thao nào đó. Không chỉ thế, việc “tận dụng” thành công một thương hiệu của mình trong thể thao hoàn toàn có thể trở thành “con bài” kinh doanh đắt giá nếu như các “ông chủ” biết cách tận dụng nó… Tất nhiên, phần lợi chính là có được một nguồn kinh phí khác ngoài ngân sách của nhà nước.
Điển hình nhất hiện nay ở Vĩnh Long, sức mạnh của đội bóng chuyền nữ Truyền hình Vĩnh Long (THVL) tạo ra uy thế mạnh khi năm 2010, đội bóng này làm nên kỳ tích với chiếc cúp vô địch giải bóng chuyền đội mạnh - mang tên Cúp Đức Long. Kế tiếp, chiến tích của đội Xe đạp tỉnh nhà khi tháng 2/2010, được gắn tên ADC-THVL, lập tức, các tay đua của đội và cái tên ADC-THVL trở thành tên tuổi lớn. Không những với nguồn kinh phí khá mạnh, việc đầu tư trang thiết bị đến trang phục và vật dụng chuyên dùng đã trở thành sức mạnh “vô biên” cho đội Xe đạp ADC-THVL.
Thương hiệu...
Nhìn vào cách làm của Công ty DV-TM Cổ phần ADC, mà trực tiếp hai Phó Tổng Giám đốc của Công ty này thường xuyên có mặt với việc sinh hoạt, ăn, nghỉ và đồng hành trên đường đua. Không chỉ thế, ngoài việc ấy “chiêu thưởng” nóng với giá trị 200% tiền thưởng của BTC giải luôn là liều “Doping” kích thích tinh thần cho cả đội. Tương tự, đội Bóng chuyền nữ THVL luôn có nhóm cổ động viên cùng lãnh đạo Đài PTTH Vĩnh Long sát cánh với họ dù thi đấu tận các tỉnh phía Bắc: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Ninh Bình, hay các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Đắk Lắk... Đó là sức mạnh, niềm khích lệ tinh thần cho các VĐV tranh tài.
Cách làm đó, nếu nhìn vào một mặt được giới truyền thông cho rằng đó là cách làm để “đánh bóng” thương hiệu. Nhưng dù gì đi nữa, xét cho cùng đó là điều làm lợi lớn cho thương hiệu của họ và thành tích của đội thể thao.
Mặc khác, trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã từng có nhiều thương hiệu gắn kết với hoạt động TDTT như: đội Bóng đá tỉnh được Đài THVL tài trợ (đội tuyển tỉnh 1999 - 2000, giải Bóng đá trẻ tỉnh 2003, 2004, 2005); đội bóng chuyền nam Xổ số kiến thiết Vĩnh Long rồi Phân bón Cò Bay, nay là Bảo vệ thực vật Sài Gòn - Vĩnh Long; Cúp Quần vợt Hoàng Quân Mê Kông, Giải Bóng đá Vô địch tỉnh Cúp Gốm Cửu Long hay Cúp Vàng Mỹ Ngọc; Giải Bóng bàn Cúp Thiên Phú Hưng, Cúp Báo Vĩnh Long; Giải Việt dã Sacombank - Báo Vĩnh Long;...
Mới đây, có một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh muốn đầu tư vào đội Bóng đá Vĩnh Long, nếu như đội thăng hạng nhì quốc gia- đó là Cty TNHH Thép CNN. Đáng tiếc cho độii Bóng đá của tỉnh khi khá nhiều cựu binh đã được chuyển sang các CLB khác, lực lương hiện tại là số trẻ từ 16-21 tuổi, nên gặp phải sự non kém kinh nghiệm trong thi đấu. Tuy nhiên, ý định đó của ông Nguyễn Trung Kiên (Thép CNN) vẫn còn niềm tin cho bóng đá Vĩnh Long năm 2011.
...Chờ khai thác
Nếu muốn đạt được nhiều thành công hơn nữa và khai thác được những “mỏ Vàng về thương hiệu” đó thì từ bấy giờ, ngành TDTT tỉnh nhà cần nỗ lực hơn nữa trong việc vạch ra một chiến lược lâu dài. Ngoài việc phát triển nguồn nhân lực trẻ không chỉ có từ Trường Năng khiếu TDTT, mà cần quan tâm đến các CLB thể thao phong trào, trường học và chú trọng trong việc tư nhân đang thực hiện tốt công tác xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT để có rất nhiều cơ sở, sân bãi mà hiện nay tư nhân đang đầu tư rất nhiều trong tỉnh ta. Lúc ấy, không chỉ khai thác thương hiệu từ tài trợ, mà còn xây dựng và điều hành được một thương hiệu thực sự mới trong tương lai đang chờ chúng ta khai thác.
Bên cạnh đó, nên tiếp tục phát huy việc “Mua - bán, trao đổi” sản phẩm đúng luật định mà ngành TDTT Việt Nam cho phép như việc “bán” cầu thủ Bóng đá Nguyễn Vũ Phong về Becamex Bình Dương, hay việc hoán đổi chủ công bóng chuyền Phan Thị Cầm Tú (TP Hồ Chí Minh) về THVL và đổi lại các VĐV nam về thành phố mang tên Bác. Mới đây, 3 cầu thủ Bóng đá: Lê Văn Hưng, Nguyễn Anh Phụng, Võ Hoài Lâm được phép chuyển nhượng về CLB Bóng đá TP Hồ Chí Minh cho mùa Bóng 2011, hoặc chuẩn bị hoán đổi một số cầu thủ Bóng đá trẻ của tỉnh đến Đồng Tâm Long An, Xổ số kiến thiết Cần Thơ và ngược lại...
Vì thế, điều quan trọng nhất là phải hiểu rõ tiềm năng thương hiệu của mình là gì và khai thác như thế nào để mang lại hiệu quả cao!
Dương Thu