|
Bóng đá cũng như nhiều môn thể thao khác đã được tổ chức nhờ nguồn huy động xã hội hóa(Ảnh: T.Sơn) |
Ước tính có khoảng 30% giải thể thao cấp huyện và 65% giải cấp tỉnh đã nhận được sự tài trợ của các doanh nghiệp, đơn vị, các tổ chức cá nhân trong tỉnh, với số tiền trung bình khoảng 12 tỷ đồng/năm.
Trong số các hoạt động TDTT nhận được tài trợ phải kể đến đó là Đại hội TDTT cấp cơ sở. Riêng Đại hội TDTT cấp huyện đã có tổng kinh phí trên 1,9 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp số tiền không nhỏ (trên 711 triệu đồng). Bên cạnh đó, nhiều CLB do tư nhân tự đầu tư kinh phí xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT cho nhân dân như: CLB Khải Hoàn, Sân bóng đá mini (thành phố Long Xuyên); CLB Trần Phát, khu vui chơi giải trí Ngôi Sao (thị xã Châu Đốc); nhà thi đấu thể thao thị trấn Tân Châu (thị xã Tân Châu)... Các công trình trên đều có trị giá trên 1 tỷ đồng.
Do sự nhận thức đúng đắn của các cấp lãnh đạo cũng như sự đồng thuận của nhân dân trong việc đầu tư xây dựng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động TDTT, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, thông qua các hoạt động tuyên truyền về vai trò, tác động to lớn của hoạt động TDTT đối với sức khoẻ con người đã giúp cho nhận thức của nhân dân về TDTT có những chuyển biến mạnh mẽ, từ tự phát phát triển thành tự giác. Theo đó, từ chỗ chỉ có một số môn thể thao được duy trì tập luyện thường xuyên (Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông... ), trong một số đối tượng nhất định (tập trung ở vùng đông dân cư, nơi có điều kiện kinh tế xã hội phát triển) thì nay số môn thể thao được duy trì tập luyện đã tăng đáng kể, phong phú và đa dạng hơn.
Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh (do nhà nước cũng như tư nhân đầu tư xây dựng) ngày càng phát triển, theo hướng hiện đại, đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT đạt hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.041 CLB thể thao tư nhân có từ 1 - 14 môn thể thao; trên 1.420 điểm, nhóm tập TDTT được duy trì thường xuyên, đều đặn; đặc biệt là hình thành được 1.800 sân bãi dành cho các môn: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông... Đây là một trong những yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng cùng tham gia rèn luyện thể dục thể thao.
Hàng năm, ngoài những giải đấu do cấp tỉnh tổ chức, các địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Hội thi Bơi cứu đuối, giải Bóng đá U11, U14, Hội thao CNVC - LĐ, giải Bóng đá dân tộc Chăm, giải Bóng chuyền Kh’mer, Hội Đua bò Bảy Núi, giải Bóng đá, Bóng chuyền, Việt dã nông dân, Hội thao người cao tuổi và Hội thao các ngành Ngân hàng, Khoa học - Công nghệ, Bưu điện, Cấp nước... đây thực sự là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Từ những kết quả trên, có thể khẳng định, phong trào xã hội hoá TDTT là một trong những thế mạnh của An Giang. Để phát huy những thành tích đó, tỉnh An Giang, ngành VH,TT&DL tỉnh đang nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu giải trí, tập luyện của nhân dân. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã, đang triển khai thi công nhiều công trình như: Hồ bơi, Khu liên hợp văn hoá thể thao, nhà thi đấu thể thao huyện Tịnh Biên, xây dựng đề án phát triển TDTT quần chúng; cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức, thói quen rèn kuyện sức khoẻ, mở rộng thành lập CLB xuống tận xóm ấp, vận động mỗi người dân tự chọn cho mình 1 môn thể thao phù hợp để tập luyện hàng ngày...
Với đà phát triển như hiện nay, hy vọng đến cuối năm 2010, ngành TDTT tỉnh An Giang sẽ hoàn thành mục tiêu có 28% dân số luyện tập thể thao thường xuyên, 25% gia đình thể thao được công nhận, 80% trường, số học sinh các cấp đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể thao, 68% CNVC - LĐ và 100% chiến sĩ tập thể thao rèn luyện thân thể tăng từ 1% - 5% so với năm 2009.
H.Sơn