Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 90 và 8 năm thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ, công tác xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và TDTT đã thu được những kết quả khả quan, tạo ra mọi nguồn lực to lớn trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Với hai mục tiêu cơ bản, xã hội hoá TDTT nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động lực lượng của toàn xã hội cùng chăm lo phát triển sự nghiệp TDTT, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân được hưởng thụ thành quả TDTT ở mức độ ở ngày càng cao.
Thực hiện chủ trương xã hội hoá về TDTT là quá trình giáo dục và vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tự giác rèn luyện thân thể, xây dựng một xã hội hoạt động TDTT vì mục tiêu sức khoẻ, là quá trình huy động mọi tầng lớp xã hội cộng đồng trách nhiệm phát triển TDTT, là quá trình da dạng hoá về hình thức tổ chức và đổi mới về cơ chế quản lý hoạt động TDTT.
Thực hiện chủ trương xã hội hoá TDTT trong hệ thống nhà trường phổ thông các cấp là quá trình nâng cao thể chất, thực hiện mục tiêu Giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ, tạo động lực cơ bản để thực hiện định hướng nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam trong thế kỷ 21, là huy động toàn xã hội cùng chăm lo cho thế hệ trẻ, là đổi mới tận gốc nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của TDTT cho nhiều tầng lớp người lao động mới.
Trong những năm qua, số đông học sinh trong hệ thống nhà trường phổ thông các cấp đã được hưởng thụ những thành quả bước đầu của xã hội hoá với nền TDTT nước nhà, GDTC và hoạt động TDTT trường học đã có những biến chuyển đáng khích lệ về nhiều mặt. Tuy nhiên, tốc độ xã hội hoá còn chậm, chưa phát huy được những tiềm năng to lớn sẵn có của ngành Giáo dục như tiềm năng về con người, về lực lượng chuyên môn (gần 1 triệu học sinh phổ thông các cấp, 25.000 thày cô giáo chuyên trách về TDTT); tiềm năng về cơ chế tổ chức và quy chế đào tạo (hoạt động đào tạo trong giờ chính khoá, hoạt động giáo dục và rèn luyện ngoài giờ học), tiềm năng về lực lượng và thời gian (12 năm đào tạo ở bậc phổ thông với đại đa số lực lượng thanh thiếu niên từ 7 đến 19 tuổi của đất nước).
Nghiên cứu phát hiện thực trạng và nguyên nhân hạn chế hiệu quả của công tác xã hội hoá lĩnh vực nhà trường, là rất cần thiết. Từ đó có thể đề xuất những biện pháp cơ bản góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông các cấp và tích cực hoá quá trình xã hội hoá TDTT là một nhiệm vụ cấp thiết.
Những thuận lợi cơ bản đối với tiến trình thực hiện công tác xã hội hoá TDTT trường học
Hiện nay, Nhà nước vẫn đang tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường nguồn đầu tư tập trung cho các nhiệm vụ trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia về Giáo dục và TDTT. Đó là mở rộng phạm vi và số lượng trường lớp, tăng điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo và hoạt động giáo dục trong nhà trường. Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia tăng lên đáng kể. Điều đó cũng có nghĩa là số trường đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất cho hoạt động GDTC cũng tăng lên. Đó còn là ưu tiên đầu tư và đào tạo nhân lực cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người cũng như tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích và thu hút học sinh, sinh viên giỏi vào ngành Sư phạm;...
Việc tăng cường đầu tư cho giáo dục cũng đồng thời là điều kiện để thực hiện mục tiêu của xã hội hoá TDTT đối với khu vực trường học phổ thông các cấp.
Thời gian qua, công tác TDTT được nhà nước tăng cường đầu tư, trong đó tập trung cho các môn thể thao thành tích cao, xây dựng các Trung tâm thể thao quốc gia và vùng đạt tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ về nhiều mặt để phát triển phong trào TDTT quần chúng, tạo lập và bắt đầu phát triển dịch vụ TDTT, khuyến khích phát triển các cơ sở TDTT ngoài công lập, các tổ chức xã hội về TDTT.
Cùng với toàn xã hội, học sinh được hưởng những thành quả của nền thể thao nước nhà với những ý nghĩa như một loại hình phúc lợi của cộng đồng. Thông qua đó, học sinh được giáo dục về nhận thức đối với hoạt động TDTT, nhận được thông điệp của xã hội về vai trò và tác dụng của rèn luyện thân thể và nghĩa vụ của bản thân đối với sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo đội ngũ giáo viên TDTT cho nhà trường phổ thông bậc THCS và THPT được mở rộng phạm vi và nâng cấp, đồng thời tạo điều kiện để giáo viên tiểu học được đào tạo và bồi dưỡng về năng lực thực hiện chương trình môn học thể dục. Chương trình môn học Thể dục ở bậc phổ thông cũng đã được đổi mới theo hướng liên thông về nội dung giữa các cấp học, sử dụng các môn thể thao hiện đại để cấu trúc nội dung chương trình, mở rộng phạm vi sử dụng các môn thể thao tự chọn trong thiết kế nội dung chương trình nhằm tạo điều kiện để phát triển các môn thể thao dân tộc... Điều đó đã tạo ra mối quan hệ tích cực giữa hoạt động giáo dục của nhà trường đối với xu thế xã hội hoá, dùng chức năng giáo dục để thực hiện chủ trương xã hội hoá và ngược lại, vận dụng thành quả của xã hội hoá để nâng cao hiệu quả giáo dục.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã tạo điều kiện để phát triển phong trào thể thao trong học sinh, thể hiện ở một số điểm như: Định kỳ tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc và coi đó như một ngày hội của thày và trò các tỉnh thành nhằm báo cáo thành tích đã đạt được trong phong trào rèn luyện thân thể; sử dụng các hạot động TDTT để tăng cường quan hệ và giao lưu giữa địa phương và giữa các nhà trường; tổ chức các loại hình lớp chuyên TDTT trong đào tạo phổ thông; mở rộng các loại hình CLB TDTT nhằm sử dụng có hiệu quả thời gian ngoài giờ của học sinh, từ đó phát hiện bồi dưỡng nhân tài cung cấp cho thể thao đỉnh cao.
Khó khăn và hạn chế của giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản đó thì công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học còn gặp những khó khăn và tồn tại một số hạn chế nhất định. Chủ trương xã hội hoá về TDTT trong nhà trường các cấp phổ thông diễn ra với tốc độ chậm, quy mô không tương xứng với nhu cầu và tiềm năng theo định hướng của Nghị quyết 90.
Nguyên nhân cơ bản gây ra những hạn chế đó là do cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động TDTT trường học hoàn toàn do các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện, các lực lượng xã hội chưa có sự phối hợp trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hoá; Khả năng huy động tài chính đầu tư trực tiếp cho hoạt động TDTT còn quá hạn hẹp kể cả từ nguồn đầu tư của nhà nước và các nguồn đầu tư khác.
Hơn nữa, nhận thức của phụ huynh và học sinh về GDTC và thể thao trường học còn rất hạn chế; nhà trường và giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm chưa coi trọng công tác GDTC, chưa coi TDTT là một phương tiện giáo dục hữu hiệu ngoài giờ học đối với thanh thiếu niên học sinh; chưa phối hợp giữa gia đình và nhà trường về công tác giáo dục thể chất, hoạt động TDTT và đánh giá tình trạng thể chất của học sinh.
Việc thực hiện chương trình môn học thể dục nội khoá kém về hiệu quả, mang nặng tính hình thức; cơ sở vật chất phục vụ học tập và rèn luyện của học sinh còn nghèo nàn. Phong trào TDTT chủ yếu tập trung vào những hoạt động có tính chất đội tuyển trước mỗi giải thi đấu.
Những khó khăn và hạn chế nếu trên cũng chính là nguyên nhân hạn chế phạm vi và tốc độ thực hiện chủ trương xã hội hoá TDTT trường học. Tuy nhiên, trong đó có những nguyên nhân cần phải khắc phục trong thời gian dài, có đầu tư lớn và tham gia giải quyết với sự phối hợp của nhiều ban ngành. Thực tiễn xã hội hoá và nhu cầu đào tạo đòi hỏi xã hội hoá TDTT trường học phải diễn ra với tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn.
Hồ Đắc Sơn