|
Công tác xã hội hoá đã góp phần tích cực trong việc tổ chức các giải thể thao
(Ảnh: Ngô Hưng) |
Điển hình như các mặt: nhiều cơ sở vật chất trang thiết bị TDTT được các tổ chức và cá nhân tự nguyện đóng góp xây dựng; hình thành nhiều câu lạc bộ và nhiều tụ điểm hoạt động TDTT, lôi cuốn nhiều đối tượng và tầng lớp dân cư tham gia tập luyện; nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã tài trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động TDTT; công tác vận động tài trợ cho các đội thể thao tập luyện và thi đấu ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) được nhân dân nhiệt tình ủng hộ và đóng góp. Phong trào toàn dân tham gia phát triển TDTT ở cơ sở được đẩy mạnh ở nhiều xã, phường, đơn vị trong tỉnh.
Đến nay, ngành TDTT đã ký kết liên tịch với nhiều ngành cùng phối hợp đẩy mạnh các hoạt động TDTT và mở rộng hoạt động TDTT ra nhiều đối tượng, như các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản-HCM, Liên đoàn lao động, Công an, Quân sự, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi... Hàng năm các ngành phối hợp tổ chức trên 20 giải cấp ngành và rất nhiều giải phong trào ở các đơn vị cơ sở. Sự phối hợp, ký kết liên tịch giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tạo điều kiện xã hội hóa diễn ra nhanh hơn, để cùng phối hợp đẩy mạnh các hoạt động TDTT và mở rộng thu hút đông đảo thành viên tham gia luyện tập.
Các huyện, thành phố đã thành lập nhiều câu lạc bộ, tụ điểm tập luyện thể dục thể thao, có nơi do các cơ quan và nhân dân đứng ra tổ chức thành lập, các môn thể dục thể thao truyền thống phát triển như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Quần vợt, Cầu lông, Cờ tướng, các môn Võ, Điền kinh, Thể dục thẩm mỹ, Thể dục thể hình, Chạy việt dã, Đi bộ, Thể dục dưỡng sinh, Thể dục buổi sáng... Đến nay, toàn tỉnh có 84 câu lạc bộ và 345 tụ điểm luyện tập thể thao.
Nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT được các tổ chức và cá nhân tự nguyện đóng góp xây dựng. Công tác vận động tài trợ cho các đội thể thao tập luyện và thi đấu ở cơ sở xã, phường, thị trấn được nhân dân nhiệt tình ủng hộ và đóng góp. Phong trào toàn dân tham gia phát triển TDTT ở cơ sở được đẩy mạnh, nhiều xã, phường trong tỉnh có lực lượng mạnh; huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp để phát triển thể thao của tỉnh; nhiều địa phương đã giành nhiều quỹ đất để xây dựng sân bãi luyện tập và huy động từ nhân dân được hàng chục triệu đồng hàng năm để tu sửa, xây dựng sân chơi, bãi tập và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động TDTT, tiêu biểu như Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn.
Thể thao cho người khuyết tật cũng được ngành hết sức quan tâm, ngành phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thường xuyên chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức các giải thể thao cho người khuyết tật, đồng thời tuyển chọn VĐV vào các đội tuyển tham dự các giải thể thao toàn quốc. Từ năm 2003 đến năm 2008 đoàn thể thao khuyết tật tỉnh Ninh Thuận tham dự đầy đủ các kỳ hội thao toàn quốc với thành tích tổng cộng 2 HCV, 12 HCB, 23 HCĐ. Có 1 VĐV đạt HCĐ giải thể thao khuyết tật Đông Nam Á (Paragames).
Công tác xã hội hoá TDTT tại Ninh Thuận đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển phong trào TDTT quần chúng nhân dân trên địa bản toàn tỉnh. Từ năm 2003 đến năm 2009, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng 4,6% (từ 13,8% lên 18,4%), dự kiến đến hết năm 2010 tăng lên 20%, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra là từ 18-20%. Tỷ lệ hộ gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng 2,4% (từ 7,9% lên 10,3%); số CLB thể thao được thành lập tăng 37 CLB (từ 47 CLB lên 84 CLB). Năm 2009, nhiều địa phương có tỷ lệ người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên cao như: Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 20%, huyện Ninh Sơn 18,8%, Ninh Phước 17,6%, Ninh Hải 16,5%, Thuận Bắc 12,5%; tỷ lệ hộ gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên ở Phan Rang-Tháp Chàm 14%, Ninh Sơn 12,5%, Ninh Hải 10,8%. |
Ng.Hưng- Xiêm