Gia tăng số lượng VĐV và mở rộng nội dung thi đấu
Giải đấu do Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai phối hợp cùng với các sở, ngành có liên quan tổ chức thu hút sự tham gia của hơn 655 võ sư, HLV, võ sinh, VĐV của 64 võ đường, CLB. Giải năm nay bổ sung thêm hạng tuổi, nội dung thi đấu phần nào đã thoả lòng mong đợi của các bậc võ nhân sau nhiều năm kiên trì tham mưu các cấp.
Các VĐV tranh tài ở các nội dung: đối kháng có 15 hạng cân cho nhóm tuổi 18-40, 15 hạng cân cho nhóm tuổi 15-17, 10 hạng cân cho nhóm tuổi 13-14 cho cả nam và nữ; quyền thuật có 32 bộ huy chương ở bốn nhóm tuổi: 6-10; 11-14; 15-17, 18-40 cho cả nam và nữ. Sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu những đặc trưng tiêu biểu của các môn phái, võ phái, các võ đường, CLB võ thuật có nguồn gốc Bình Định.

Đây là giải đấu đầu tiên kể từ khi hai tỉnh Bình Định và Gia Lai sáp nhập thu hút rất đông võ sinh tham gia
Ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai, Trưởng BTC giải nhấn mạnh: Võ cổ truyền Bình Định ra đời, tồn tại và phát triển cùng lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ lưu giữ, tích hợp bồi đắp, nâng tầm, Võ cổ truyền Bình Định phát triển, lan tỏa rộng khắp, là kết tinh các giá trị tinh hoa dân tộc, trở thành một hệ giá trị đặc trưng của vùng đất Bình Định.
Vào ngày 31/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép gửi Hồ sơ đến tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét, đưa Di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tín hiệu đáng mừng cho Võ cổ truyền Bình Định, đó không chỉ là niềm tự hào, tạo đà đưa di sản quốc gia lên tầm quốc tế, mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Ông Hiếu cho biết thêm.
Khẳng định nỗ lực nâng tầm
Ngoài giải Võ thuật cổ truyền các võ đường Bình Định tranh cúp Hoàng đế Quang Trung, công tác quảng bá Võ cổ truyền Bình Định cũng được đẩy mạnh thông qua nhiều chương trình, giải đấu trong nước và quốc tế trong suốt nhiều năm qua.
Trong đó, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định từ năm 2013 là một trong những bước đi hết sức quan trọng, nhằm tập trung nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, võ sư, HLV… xây dựng Võ cổ truyền Bình Định phát triển toàn diện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ võ sư, HLV để truyền dạy cho thế hệ kế cận cũng được quan tâm, chú trọng.
Bên cạnh đó, việc đưa Võ cổ truyền Bình Định vào trường học trên địa bàn tỉnh (được thực hiện từ năm 2016), và được đưa vào nội dung thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng các cấp, đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tập luyện trong học sinh.

Giải đấu luôn thu hút sự tham gia theo dõi, cổ vũ của đông đảo tầng lớp nhân dân
Hằng năm, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều giải đấu, nhiều chương trình biểu diễn Võ cổ truyền, thu hút đông đảo các võ đường, CLB tham gia. Đặc biệt, Võ cổ truyền Bình Định đã trở thành hoạt động không thể thiếu, mang đậm nét truyền thống văn hóa và góp phần làm trang trọng các ngày Lễ, Tết, các sự kiện trọng đại của tỉnh.
Thông qua các chương trình, giải đấu trong nước và quốc tế, Võ cổ truyền Bình Định cũng không ngừng được quảng bá. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình “Đêm võ đài Bình Định” được tổ chức vào các dịp Lễ, mùa du lịch tại thành phố Quy Nhơn (cũ) đã trở thành giải đấu uy tín, là nơi giao lưu, cọ xát của các võ đường trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm một lần tại Bình Định, chính là nơi giao lưu võ thuật giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, qua đó góp phần quảng bá rộng rãi hơn nữa Võ cổ truyền Bình Định đến với bạn bè khu vực và quốc tế.
Và khi chính thức sáp nhập cùng tỉnh Gia Lai, với nhiều đổi thay tích cực, Võ cổ truyền Bình Định kỳ vọng sẽ có thêm những cơ hội mới, vận hội mới để vươn mình phát triển mạnh hơn nữa trong kỷ nguyên mới của dân tộc...
Minh Minh, ảnh: GL