Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết: Ngay từ đầu năm 2025, các đội tuyển thể thao được giao thực hiện nhiệm vụ SEA Games 33 đã được triệu tập lên đội tuyển Quốc gia và được tập huấn, phân bổ lực lượng tại 4 Trung tâm HLTTQG (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần thơ) và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Trong đó, số lượng tập trung các đội tuyển đông nhất tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội.
Hiện, tất cả VĐV các đội tuyển quốc gia đều đang rất nỗ lực, quyết tâm trong tập luyện, tuân thủ tốt các yêu cầu mà ban huấn luyện, chuyên gia đề ra trong từng giáo án huấn luyện. Cùng với đó, tại địa điểm tập huấn, VĐV và Ban huấn luyện luôn nhận được sự tạo điều kiện tốt nhất về ăn ở, trang thiết bị tập luyện, giúp VĐV thoải mái, yên tâm trong tập luyện, rèn luyện nâng cao thành tích.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc nhiều bộ môn đã báo cáo chi tiết trước lãnh đạo Bộ VHTTDL và Cục TDTT về kế hoạch tập huấn trong nước và quốc tế cũng như các giải đấu tiền SEA Games nhằm đón đúng điểm rơi phong độ của VĐV tại kỳ Đại hội lần này. Bên cạnh đó, từng môn thể thao đã đưa ra mục tiêu thành tích cụ thể để nỗ lực phấn đấu giành được tại kỳ SEA Games lần này. Và để hoàn thành được các nhiệm vụ, các bộ môn cũng mạnh dạn, thẳng thắn nêu lên đề xuất, vướng mắc cần được giải quyết trong thời gian sớm nhất ở phần trang bị thêm thiết bị, dụng cụ tập luyện thiết yếu đảm bảo chuẩn quốc tế (trang phục thi đấu, sàn tập, thảm đấu, đường bít chạy...), qua đó, giúp cho quá trình chuẩn bị SEA Games 33 được chu đáo, kỹ lưỡng, hiệu quả.
Như ở môn Điền kinh, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó phòng thể thao thành tích cao I, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết: bộ môn, ban huấn luyện đội tuyển đã lựa chọn những VĐV tốt nhất hiện nay và có sự tính toán, bàn thảo kỹ lưỡng khi đặt ra mục tiêu thành tích cho toàn đội nỗ lực, phấn đấu hướng đến SEA Games 33. Những nội dung thế mạnh của Điền kinh Việt Nam tại các đấu trường quốc tế vẫn được đặt kỳ vọng sẽ mang về những tấm Huy chương giá trị cho đoàn Thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện hầu hết những VĐV dự kiến sẽ là lực lượng nòng cốt của đội tuyển Điền kinh Việt Nam tham dự SEA Games 33 đều là những gương mặt quen thuộc, trong quá trình chuẩn bị, huấn luyện, ban huấn luyện vẫn đang chú ý tìm kiếm những nhân tố mới là những VĐV trẻ tiềm năng có thể tạo nên bất ngờ tại kỳ Đại hội lần này.
Trong khi đó, ở môn Thể dục dụng cụ, đại diện ban huấn luyện đội tuyển nam quốc gia, ông Trương Minh Sang cho biết: Thể dục dụng cụ từ nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT, bộ môn, Liên đoàn Thể dục. Đặc biệt là Trung tâm HLTTQG Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho toàn đội tập huấn tại đây. Tuy nhiên, do những quy định đặc thù và trang thiết bị tập luyện cho bộ môn này khá tốn kém nên việc đầu tư dụng cụ tập luyện ít nhiều gặp khó khăn. Hơn nữa, do cường độ tập luyện trong ngày đối với mỗi VĐV khá cao, thường xuyên và liên tục nên các xà tập, ván nhảy chống, thảm tập dù tốt nhất cũng sớm bị xuống cấp. Điều này gián tiếp ảnh hưởng tới chất lượng tập luyện của VĐV. Do đó, ban huấn luyện đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT, Trung tâm HLTTQG Hà Nội có thể bổ sung, nâng cấp, hoặc thay mới một số các dụng cụ hiện đã có dấu hiệu xuống cấp, giúp đảm bảo an toàn trong tập luyện cho các VĐV.

Đại diện bộ môn Điền kinh báo cáo kế hoạch chuẩn bị
Cùng bàn về vấn đề cung cấp bổ sung thêm trang thiết bị tập luyện đáp ứng nhu cầu cần và đủ đối với từng môn thể thao, chuyên gia đội tuyển Bắn cung Việt Nam - Park Chae Soon khẳng định: các VĐV Việt Nam có tố chất chăm chỉ, khéo léo, ý chí nỗ lực rất tuyệt vời. Họ biết vượt qua mọi khó khăn, thử thách để từng bước chinh phục các mục tiêu cá nhân và ban huấn luyện đề ra. Chính điều đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét về thành tích ở đấu trường quốc tế của Bắn cung Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù đội tuyển Bắn cung Việt Nam đã nhận được sự quan tâm rất kịp thời từ các cấp, ngành, bộ môn, tuy nhiên so với các quốc gia phát triển ở bộ môn thể thao trên thế giới và châu lục thì Việt Nam vẫn còn khá hạn chế.
Vị chuyên gia người Hàn Quốc này cho biết thêm: Tại Hàn Quốc – nơi có bộ môn Bắn cung đứng đầu thế giới, trong tập luyện VĐV được trang bị những bộ cung bắn tốt nhất, đạt chuẩn quốc tế và được sắp xếp rất nhiều mũi tên bắn (VĐV được bắn thoải mái, ko bị hạn chế số lượng nên khả năng, trình độ được trui rèn thực tế nhiều hơn, qua đó giúp nâng cao thành tích tốt hơn). Theo ông Park, ở Hàn Quốc việc mua bán mũi tên rất thuận lợi, trong khi đó, ở Việt Nam việc này sẽ khó khăn hơn nhiều do những quy định khắt khe về mua sắm dụng cụ thi đấu (mũi tên được xếp vào danh sách vũ khí). Điều này vô hình chung VĐV Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc có thể sử dụng tối đa mũi tên bắn theo quy định.
Ông Park Chae Soon cho rằng, muốn đưa Bắn cung Việt Nam có thể vươn tầm, tranh chấp Huy chương ở đấu trường châu lục, thế giới như Asiad hay Olympic thì các VĐV trọng điểm của đội tuyển Bắn cung Việt Nam cần được đảm bảo tham dự thi đấu ít nhất từ 6 giải thể thao quốc tế/1 năm trở lên. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể tâm lý và cơ hội, kinh nghiệm thi đấu quốc tế cho VĐV và rất hữu ích để tích điểm, xếp hạng của VĐV trên bảng xếp hạng thế giới. Bên cạnh đó, VĐV cũng được cử tập huấn tại các quốc gia phát triển hàng đầu môn Bắn cung để làm quen, tiếp xúc với các môi trường thi đấu chuyên nghiệp và VĐV có trình độ, thứ hạng cao trên thế giới.

Toàn cảnh buổi làm việc
Những ý kiến và đề xuất mà vị chuyên gia người Hàn Quốc nói riêng và các ý kiến kiến nghị từ các bộ môn đưa ra đã nhận được sự đồng thuận và tán thành của các thành viên dự họp. Bởi lẽ, việc cử đội tuyển được tham dự giải quốc tế và tập huấn nước ngoài nhiều hơn nữa là điều cần thiết và vô cùng quan trọng trong việc hoàn thiện, nâng cao thành tích VĐV.
Nói thêm về công tác chuẩn bị SEA Games 33, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đặc biệt lưu ý ban huấn luyện từng bộ môn thể thao cần phải quản lý, sát sao VĐV trong việc sử dụng các sản phẩm chức năng, thuốc bổ trợ nâng cao thể lực, sản phẩm thuốc khi bị ốm tránh các chất cấm trong thể thao (Doping). Khi sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng, cần phải tham vấn các bác sĩ, tổ ý tế làm việc tại các Trung tâm hay bác sĩ được phân bổ phụ trách môn. Điều này phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ trước và sau thời điểm những VĐV dự kiến sẽ có tên trong danh sách chuẩn bị SEA Games 33.
Đánh giá cao các kế hoạch chuẩn bị của từng đội tuyển, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, thông qua bản kế hoạch này, mỗi bộ môn đã có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng đối thủ trong khu vực để xác định, đặt mục tiêu thành tích được coi là phù hợp. Thứ trưởng cũng lưu ý, trong thi đấu thể thao khó có thể nói trước được điều gì, thành công và thất bại là hai danh giới rất gần nhau. Chính vì vậy, mỗi đội tuyển hãy tập trung tối đa, chuẩn bị chu đáo nhất về chuyên môn, thể lực, tâm lý để có được thành tích tốt nhất ở kỳ SEA Games 33 lần này. Với chức năng của mình Bộ VHTTDL, Cục TDTT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, giúp tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc của từng bộ môn trong kế hoạch tập luyện và cử đội đi thi đấu (trong nước, quốc tế), hay tổ chức thi đấu các giải thể thao cũng như kinh phí đầu tư cho công tác huấn luyện, đào tạo, tuyển chọn VĐV.
N. Hương, Ảnh: V.Duy