Olympic Paris 2024 – dấu ấn lịch sử!
Phạm Thị Huệ, 34 tuổi, là VĐV lớn tuổi nhất của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024. Cô thi đấu xuất sắc ở vòng loại để giành quyền vào tứ kết nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng. Tại tứ kết, dù cán đích với thành tích tốt nhất của chính mình trong năm, nhưng vì đối thủ quá mạnh nên Phạm Thị Huệ không thể đi tiếp để giành huy chương.
Olympic Paris 2024 là dấu son trong sự nghiệp của Phạm Thị Huệ
Dẫu vậy, với tay chèo sinh năm 1990 này, hành trình đến với đấu trường Olympic là cả một sự nỗ lực không biết mệt mỏi. Chắc hẳn người hâm mộ thể thao Việt Nam sẽ còn nhớ hình ảnh của Phạm Thị Huệ đứng dậy ngay sau khi kết thúc vòng loại để vào tứ kết. Cô hét to: "3 times qualified" (ba lần đạt chuẩn), khiến nhiều người ấn tượng và không khỏi xúc động.
Trong suốt những năm tháng gắn bó với Đua thuyền, việc tập luyện vô cùng gian nan, nhưng với VĐV quê Quảng Bình, ngọn lửa đam mê chưa khi nào ngừng cháy!
Trước đó, vào 2 kỳ Olympic các năm 2016 và 2020, Rowing Việt Nam phải chọn đại diện dự Thế vận hội, Phạm Thị Huệ đã đạt chuẩn tham dự nhưng cô chấp nhận lui lại phía sau để nhường suất cho các VĐV trẻ...
4 năm sau, vào tháng 4/2024, Phạm Thị Huệ đã thi đấu xuất sắc với thành tích 7 phút 53 giây 08 và nằm trong top 5 nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng ở vòng loại Olympic khu vực châu Á. Kết quả này đã giúp Huệ chính thức giành tấm vé tham dự Olympic Paris 2024. Để có được thành công đó Huệ đã phải nỗ lực rất nhiều, quyết tâm cực cao ở các giải đấu khu vực. Đó cũng là kết quả của 16 năm nỗ lực không bỏ cuộc của Phạm Thị Huệ trong hành trình chinh phục bằng được tấm vé tham dự sân chơi lớn nhất hành tinh- Thế vận hội Olympic Paris 2024.
Phạm Thị Huệ đã nhiều lần thi đấu xuất sắc ở sân chơi khu vực, châu lục với 4 HCV SEA Games, 2 HCB và 2 HCĐ ASIAD. Tuy nhiên, Olympic Paris 2024 mới là lần đầu tiên Huệ vinh dự được góp mặt. “Cô chị cả” trong đội Đua thuyền Việt Nam xứng đáng là tấm gương về ý chí và nghị lực vươn lên cho các đàn em học hỏi, phấn đấu.
Chia sẻ cảm xúc của mình trước dấu ấn lịch sử này, Huệ cho biết: "Thực sự là đến với Olympic nếu để viết ra bài văn suôn sẻ hay một bài toán đúng khuôn khổ thì em không diễn tả hết được. Nhưng đến Olympic rồi em mới biết được vì sao nhiều VĐV lại cố gắng phấn đấu, rèn giũa nhiều đến thế để có mặt tại đấu trường này.
Chạm đến vinh quang không bao giờ dễ dàng...
Phạm Thị Huệ đến với Đua thuyền khá muộn so với nhiều VĐV khác cùng trang lứa. Năm 2008 Huệ mới bắt đầu bước vào tập luyện môn thể thao này. Từ đó đến nay cũng gần 20 năm, cô vẫn kiên định theo con đường mình đã chọn. Nói về tuổi thơ và hành trình đến với Rowing, Huệ cho biết: Em sinh ra trong gia đình thuần nông, nhà có 4 chị em gái, việc nuôi ăn học với bố mẹ là vô cùng khó khăn. Cơ duyên đến với môn Đua thuyền là vào thời điểm học cấp II, khi đó em có tham gia HKPĐ, sau đó được bộ môn Đua thuyền của tỉnh Quảng Bình tuyển chọn và đưa đi đào tạo...
Huệ bên hai cô con gái đáng yêu...
Tay chèo sinh năm 1990 khiến nhiều người xúc động lẫn khâm phục vì ý chí quyết tâm không ngừng nghỉ để đeo đuổi đam mê ở bộ môn thể thao khắc khổ bậc nhất như Đua thuyền. Thậm chí, việc đã có hai con nhỏ không khiến VĐV 34 tuổi chấp nhận dừng lại sự nghiệp. Ngược lại, nhờ người chồng thấu hiểu, Phạm Thị Huệ vẫn bền chí để đeo đuổi con đường thể thao đã ăn sâu vào tiềm thức.
Trải qua bao buồn, vui, thăng trầm trong sự nghiệp thể thao, tay chèo Phạm Thị Huệ học cách tự tìm niềm vui từ những điều giản đơn, những khoảnh khắc bình dị trong cuộc sống. Cô luôn cảm thấy rất may mắn khi có gia đình là "hậu phương" vững chắc trong sự nghiệp. Khi bắt đầu theo đuổi bộ môn này, Huệ được bố mẹ và anh chị em cổ vũ, động viên để yên tâm tập luyện, cống hiến. Đến khi lập gia đình, cô lại tiếp tục được bố mẹ chồng sát sao, quan tâm hỗ trợ, được chồng ủng hộ để toàn tâm, toàn ý cho tập luyện và thi đấu xa nhà.
Chia sẻ về gia đình nhỏ của mình, Huệ cho biết: hai vợ chồng cưới nhau đã được 14 năm và có 2 con, cuộc sống thuận hòa, êm ấm. Chồng em là người biết yêu thương và luôn chia sẻ, giúp đỡ vợ. Nhờ đó mà em có thể toàn tâm với việc tập luyện và thi đấu. Có những đợt phải tập huấn xa nhà trong thời gian dài, mọi việc con cái đều do chồng em đảm nhận...
Thời điểm Huệ bắt đầu sự nghiệp, Rowing ở Việt Nam còn khá mới mẻ, rất ít người biết đến bộ môn này .Tuy nhiên theo thời gian, bản thân Huệ cũng như những VĐV đại diện cho Rowing Việt Nam đều từng bước cố gắng, đưa hình ảnh của môn thể thao này lan tỏa hơn trong cộng đồng, thông qua các giải đấu từ cấp địa phương đến đấu trường châu lục.
... và người chồng rất chia sẻ với nghiệp thể thao của cô
Trong suốt những năm gắn bó với Đua thuyền, cho đến thời điểm này Huệ luôn tự nhủ: Hãy tập luyện và nỗ lực không ngừng nghỉ, dù sớm hay muộn thì "quả ngọt" chắc chắn sẽ đến. Chính vì vậy, Huệ phấn đấu mỗi ngày, góp nhặt thành tích từ từng chặng đua, từng giải đấu từ nhỏ tới lớn.
Năm 2024 đã chứng kiến những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự cống hiến hết mình của Phạm Thị Huệ cho thể thao nước nhà. Thành tích lọt top 5 trong cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng mà còn là động lực để cô tiếp tục tỏa sáng trong những giải đấu sắp tới.
Minh Phương, ảnh: FBNV