Tích cực tìm giải pháp nhằm nâng cao thành tích cho Bơi Việt Nam (bài tết)

Bơi là một trong số những môn thể thao nằm trong nhóm Olympic. Bởi vậy từ nhiều năm qua, bộ môn này luôn được Cục TDTT lựa chọn để đầu tư trọng điểm. Theo đó, thành tích của Bơi Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần những giải pháp phù hợp để giúp bộ môn thể thao dưới nước này giành được thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới...

Còn đó những hạn chế…!

Tính đến hết năm 2024, Bơi Việt Nam hiện đứng trong tốp 3 khu vực Đông Nam Á cùng với Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, ở đấu trường châu lục, Bơi Việt Nam chỉ xếp vị trí thứ 7 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Bắc Trung Hoa, Singapore và Kazakhstan.

Trong các nội dung của môn Bơi, nhìn vào bảng thành tích mà Việt Nam có được ở những chặng đường đã qua, dễ nhận thấy thế mạnh của Bơi Việt Nam chủ yếu đến từ các VĐV nam ở các nội dung trung bình và dài (400m – 800m và 1,500m tự do, 200m và 400m hỗn hợp), các nội dung ếch (50m - 100m và 200m). Trong khi đó, ở các cự ly ngắn của bơi tự do, ngửa, bướm, thành tích các tuyển Việt Nam tại đấu trường quốc tế vẫn còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta còn thiếu và yếu nguồn lực con người khi công tác tìm kiếm tài năng còn gặp rất nhiều khó khăn; kinh phí đầu tư phát triển đường dài cho hệ thống đào tạo VĐV đỉnh cao khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực, châu lục có phong trào phát triển mạnh mẽ về môn Bơi.

Bơi Việt Nam tích cực lựa chọn, tìm kiếm tài năng, mời chuyên gia giỏi huấn luyện VĐV Việt Nam  phù hợp với lộ trình phát triển 
(Ảnh: ĐạiNam)

Thực trạng này đã được lãnh đạo Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam đã chia sẻ tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TD,TT Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào cuối năm 2024 vừa qua.

Một trong những vấn đề tồn tại của Bơi Việt Nam đó là công tác tuyển chọn và đánh giá năng lực của VĐV Bơi từ tuyến cơ sở còn yếu, dẫn tới việc VĐV được lên đội tuyển quốc gia phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện. Hay tình trạng “nhồi” khối lượng để tăng nhanh thành tích cho các VĐV Bơi trẻ, từ đó dẫn đến hệ lụy là các VĐV Việt Nam nhanh bị “chai” và thành tích không ổn định, khó kéo dài, tuổi nghề ngắn...

Một thực tế nữa chúng ta phải đối diện chính là thể hình của VĐV Việt Nam nhìn chung thấp bé, thể lực yếu so với thể hình trung bình của VĐV các nước trong khu vực, châu lục. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích thi đấu chung. Về công tác đào tạo, cơ bản hiện nay các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia đang phải tập trung đào tạo phân tán; VĐV và HLV ít được tham gia các giải quốc tế, dẫn đến VĐV thường thiếu tự tin trong thi đấu và bị “ngợp” khi gặp các VĐV xuất sắc.

Theo số liệu thống kê, trên cả nước có hơn 25 đơn vị tỉnh, thành, ngành đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, có đội tuyển và tuyển trẻ với gần 1.500 VĐV. Trong đó, có khoảng 50 VĐV đội tuyển quốc gia (tuyển và tuyển trẻ) hiện đang tập huấn tập trung tại 03 Trung tâm HLTTQG là TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Một yếu tố khác cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của việc phát triển thành tích cho Bơi lội Việt Nam không thể không nhắc tới đó là hệ thống cơ sở vật chất. Thực tế cho thấy, số lượng bể bơi hiện có ở Việt Nam vẫn chưa nhiều. Tại các trường phổ thông có gần 2.200 bể (chỉ chiếm gần 9% số trường học), phân bổ không đồng đều, chủ yếu nằm ở các thành phố lớn. Những bể bơi do ngành TDTT quản lý mới chỉ có gần 100 bể (trong đó, chỉ có 04 bể được trang bị hệ thống tính giờ điện tử), phần lớn đã cũ, xuống cấp (bể bơi, bục xuất phát, thiết bị điện tử, bể tạo sóng…).

VĐV Nguyễn Huy Hoàng (bên phải) giành HCĐ tại ASIAD 19

Cần những mục tiêu, giải pháp phù hợp hơn nữa

Hiện nay chúng ta đang sở hữu lứa VĐV tài năng như Quang Thuấn, Võ Thị Mỹ Tiên, Nguyễn Thúy Hiền, Phạm Thị Vân, Mai Trần Tuấn Anh, Lê Huỳnh Tú Uyên, Nguyễn Ngọc Tuyết Hân... Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ TTTTC: tiềm năng của lứa VĐV này là rất lớn song sẽ chỉ đủ hướng tới đấu trường SEA Games. Còn với đấu trường như ASIAD hay Olympic thì vẫn còn một khoảng cách khá xa, cần sự đột phá trong cách đầu tư.

Những năm gần đây, mặc dù ngành TDTT Việt Nam cũng như Hiệp hội thể thao dưới nước đã rất nỗ lực đầu tư trọng điểm cho một số môn thể thao, trong đó có môn Bơi. Song thực tế cho thấy, nguồn ngân sách đầu tư dành cho VĐV đỉnh cao của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia.

Để tạo được những đột phá mới về thành tích cho Bơi Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới, mới đây Hiệp hội Thể thao dưới nước, bộ môn Bơi, Cục TDTT đã cùng phối hợp xây dựng lộ trình phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, vấn đề ưu tiên hàng đầu là tìm nguồn ngân sách đủ để mời được các HLV giỏi, HLV chuyên huấn luyện các nội dung thế mạnh của Việt Nam để cải thiện tốt hơn nữa thành tích của các VĐV. Cụ thể như HLV chuyên huấn luyện cự ly ngắn, chuyên huấn luyện các VĐV nữ,  HLV thể lực làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức nhiều hơn các lớp đào tạo HLV trong nước, các cán bộ quản lý. Ngoài nguồn kinh phí được cấp hàng năm từ ngân sách, sẽ tích cực vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để đưa các VĐV tài năng của Bơi Việt Nam đi tập huấn ngắn và dài hạn, tập huấn với cường độ cao tại các quốc gia phát triển mạnh về môn Bơi trước thềm các giải đấu quan trọng như: SEA Games, ASIAD, vô địch thế giới và Olympic.

VĐV Bơi trẻ Việt Nam được nhiều cơ hội tích lũy từ chương trình tập luyện, tập huấn năm 2025 (Ảnh: ASG 2024)

Cùng với đó, tạo những điều kiện tốt nhất để các VĐV Bơi Việt Nam được tham gia thi đấu nhiều giải quốc tế nhằm tích luỹ kinh nghiệm cũng như tích điểm cho Olympic và vô địch thế giới cũng được coi là giải pháp cần kíp.

Việc được xem là chân đế tạo sự phát triển đột phá của Bơi Việt Nam trong thời gian tới chính là sự quan tâm, đồng hành hơn nữa của ngành TDTT, Bộ VHTTDL, các tổ chức doanh nghiệp, mạnh thường quân giúp cải thiện, nâng cấp trang thiết bị dụng cụ tập luyện chuyên biệt dùng trong công tác huấn luyện, tập luyện, thi đấu của môn Bơi kể cả trên cạn và dưới nước.

Mục tiêu quan trọng của Bơi Việt Nam trong thời gian tới hướng đến là tập trung nâng cao thành tích cho VĐV nữ và các VĐV cự ly ngắn; ổn định thành tích ở các nội dung thế mạnh của Bơi Việt Nam. Cùng với đó hoàn thiện công tác tuyển chọn và huấn luyện kỹ thuật để chọn ra nhiều VĐV tài năng.  Về kế hoạch dài hạn, hướng tới cải thiện thứ hạng tại khu vực Đông Nam Á và châu Á; có thêm nhiều VĐV lọt vào vòng bán kết, chung kết ở giải thế giới và Olympic; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện phương pháp, chương trình huấn luyện hiện đại cho Bơi Việt Nam.

N. Hương

 

Ảnh trong bài
  • Tích cực tìm giải pháp nhằm nâng cao thành tích cho Bơi Việt Nam (bài tết)
  • Tích cực tìm giải pháp nhằm nâng cao thành tích cho Bơi Việt Nam (bài tết)
  • Tích cực tìm giải pháp nhằm nâng cao thành tích cho Bơi Việt Nam (bài tết)