Thu hút nhiều kỳ thủ nổi tiếng tham dự
Giải được tổ chức với sự phối hợp thực hiện của Liên đoàn Cờ Tp Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Phát triển tổ yến KPNest, quy tụ nhiều kỳ thủ hàng đầu Việt Nam tham dự như: Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Tuấn Minh, Phạm Lê Thảo Nguyên, Võ Thị Kim Phụng, Lương Phương Hạnh…đặc biệt là Siêu Đại kiện tướng quốc tế Lê Quang Liêm.
Giải Cờ vua KPNest 2024 quy tụ nhiều kỳ thủ nổi tiếng tham dự
Theo điều lệ, giải chia làm 12 bảng đấu gồm: U8, U10, U12, U14, U16, Open (mở rộng) cho cả nam và nữ. Mỗi bảng đấu, các kỳ thủ thi đấu 15 ván tính điểm theo hệ Thụy Sĩ, thể thức cờ chớp 3+2 (3 phút cho mỗi kỳ thủ, cộng 2 giây sau mỗi nước đi). Tổng giải thưởng của giải đấu gần 2 tỷ đồng. Trong đó, kỳ thủ vô địch mỗi bảng nhận phần thưởng 50 triệu đồng.
Giải đấu được chia thành 12 hạng mục hướng tới mục tiêu đảm bảo mọi đối tượng người chơi từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có thể tham gia và thể hiện tài năng của mình. Mỗi hạng mục đều được thiết kế phù hợp với từng nhóm tuổi và trình độ, mang đến sự công bằng và khuyến khích sự phát triển của Cờ vua ở mọi cấp độ.
Giải Cờ vua KPNest năm 2024 không chỉ là một giải đấu, mà còn là một ngày hội của trí tuệ - nơi những người đam mê Cờ vua có cơ hội thi đấu, giao lưu và trải nghiệm không khí cạnh tranh đầy hào hứng; đánh dấu một bước ngoặt mới trong sự phát triển của phong trào Cờ vua tại Việt Nam.
Sức hút Quang Liêm
Siêu đại kiện tướng quốc tế Lê Quang Liêm sẽ trở về Việt Nam thi đấu giải Cờ vua KPNest - nơi mọi kỳ thủ đều có cơ hội đánh với anh đã làm "nức lòng" người hâm mộ. Đây là lần hiếm hoi Lê Quang Liêm tham dự giải trong trong nước kể từ khi anh sang Mỹ học tập và làm việc (năm 2014). Quang Liêm hiện là Kỳ thủ số một Việt Nam với vị trí 15 thế giới, cao nhất sự nghiệp, điểm Elo là 2.739.
Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ VN, kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Tp Hồ Chí Minh cho biết: Là một trong những VĐV Cờ vua hàng đầu của VN, Lê Quang Liêm đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên đấu trường quốc tế, mang về cho nước nhà nhiều thành tích nổi bật, góp phần nâng cao vị thế của Cờ vua VN trên bản đồ thế giới. BTC tin rằng, sự hiện diện của Lê Quang Liêm không chỉ tạo nên sức hút cho giải Cờ vua KPNest, mà còn là nguồn động viên tinh thần vô giá, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, những người sẽ nối tiếp truyền thống Cờ vua của đất nước.
Cơ hội đẩy mạnh kinh tế thể thao từ Cờ vua
Tại Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024 vừa mới được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề "Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ mới", việc tổ chức các giải đấu để thu hút các nguồn lực xã hội nhằm tái đầu tư trở lại cho thể thao, tạo cơ hội cho người chơi thể thao cũng được đặt ra, xem như đó là vấn đề cấp thiết. Thực tế, đó là vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng để giải bài toán này như thế nào vẫn không đơn giản.
Siêu Đại kiện tướng Lê Quang Liêm sẽ tái xuất tại giải
Với riêng Cờ vua, những diễn biến từ việc tổ chức các giải đấu phong trào, đỉnh cao trong thời gian gần đây đã phần nào đưa ra lời giải cho vấn đề này. Giải Cờ vua nhanh Hà Nội mở rộng, hay sắp tới là giải Cờ vua KPNest với quy mô tầm cỡ quốc gia lớn nhất từ trước đến nay là những ví dụ điển hình cho điều này.
Nhìn vào các đơn vị phối hợp, người khởi xướng và tổ chức và cách vận hành một giải đấu từ khâu lựa chọn và mời các “gương mặt vàng” trong làng Cờ vua Việt từ trước đến nay tham dự; hay "tận dụng" sự hiện diện của Siêu Đại kiện tướng quốc tế Lê quang Liêm tổ chức giao lưu với người hâm mộ Cờ vua thì chúng ta sẽ hiểu tiềm năng “làm” kinh tế của Cờ vua Việt là điều rất khả thi.
Cụ thể, các nhà tổ chức đã nắm bắt nhu cầu của người chơi để đưa ra hình thức tổ chức giải phù hợp. Cờ vua là môn chơi thể thao trí tuệ được rất nhiều phụ huynh ủng hộ con em tham gia. Những gì mà các VĐV Cờ vua nổi bật của chúng ta đã làm được trong quá khứ đã tạo nên những tấm gương đầy điển hình đi vào cuộc sống của mỗi gia đình như: Lê quang Liêm, như Nguyễn Ngọc Trường Sơn...
Và điều dễ dàng nhìn thấy một ở giải đấu Cờ vua được được tổ chức đó là khoản kinh phí đóng góp từ 100 nghìn - 200 nghìn đồng, thậm chí là 1,2 triệu đồng/kỳ thủ (như ở giải KPNest 2024) vẫn luôn nhận được sự hưởng ứng một cách thoải mái của các phụ huynh cũng như kỳ thủ. Ngoài các VĐV sẽ là người thân, HLV, bạn bè đi cùng cũng phải chi một khoản tiền ăn, ở, tham gia các hoạt động du lịch tại nơi tổ chức giải. Trung bình, ước tính, khoản chi phí ăn, ở từ những VĐV, người thân, HLV, bạn bè cũng mang lại cho ngành du lịch, dịch vụ của đơn vị đăng cai lên tới hàng trăm triệu đồng. Không kể, nhiều hình ảnh về địa điểm thi đấu, tham quan mà các kỳ thủ, người thân của họ đưa lên mạng xã hội cũng là “kênh” quảng bá thú vị cho du lịch. Đó là những giá trị vô hình nhưng có ý nghĩa to lớn mà một giải đấu thể thao mang lại.
Cơ hội làm kinh tế thể thao của Cờ vua càng thấy tiềm năng khi trong nhiều năm qua, các giải đấu đều thực hiện gần như bằng nguồn kinh phí đầu tư của các doanh nghiệp, đơn vị xã hội... thậm chí là chính cá nhân – phụ huynh có con em đam mê bộ môn này như nhà tổ chức giải Cờ vua KPNest 2024 sắp diễn ra.
Với nguồn thu từ các giải đấu, chính những nhà tổ chức, đặc biệt các Liên đoàn thể thao quốc gia và địa phương sẽ có thêm kinh phí để tổ chức các hoạt động khác của Liên đoàn, đặc biệt tập trung đầu tư cho những kỳ thủ hàng đầu của quốc gia hay địa phương.
Đưa ra những dẫn chứng trên để cho thấy “tiềm năng” chứ không có nghĩa bài toán kinh tế thể thao ở môn Cờ vua đã được giải quyết. Lãnh đạo, các nhà chuyên môn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về tài chính khi muốn tổ chức các giải đấu với quy mô ngày càng lớn hơn; khát khao để tổ chức được một giải đấu có hàng nghìn kỳ thủ ở các tỉnh, thành, địa phương không phải là hai thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh vẫn khiến những người yêu Cờ “đau đáu”...
Rõ ràng, nếu làm tốt được vấn đề kinh tế cho bộ môn thể thao trí tuệ này, thì việc tiến tới làm được điều kể trên là không phải không thể!
Minh Minh, ảnh: LĐ