Mở đầu buổi tiếp, Cục trưởng Đặng Hà Việt gửi lời cảm ơn, đánh giá cao những đóng góp của bà Phan Tấn Thanh Thảo trong công tác phát triển môn Bơi tại Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt, việc bà Thanh Thảo xây dựng những phương pháp, giáo trình huấn luyện chuẩn, chuyên nghiệp dành cho công tác huấn luyện Bơi đối với nhóm vận động trẻ, trong đó chủ yếu tập trung vào trẻ em lứa tuổi từ 2 – 5 tuổi tại Việt Nam rất có ý nghĩa. Chương trình huấn luyện này cần được nhân rộng, triển khai nhiều hơn nữa tại nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian tới.
Lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam, các đơn vị chức năng chụp ảnh lưu niệm cùng chuyên gia, giảng viên Phan Tấn Thanh Thảo (đứng thứ ba từ trái sang)
Theo Cục trưởng Đặng Hà Việt, khi áp dụng chương trình huấn luyện theo những tiêu chí quốc tế, song vẫn phù hợp với thể trạng con người Việt Nam sẽ hạn chế, giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước hàng năm.
Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng cho rằng, Bơi là môn thể thao phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết đối với hoạt động Bơi phong trào trong trường học, hay các câu lạc bộ vẫn đang áp dụng chung chương trình huấn luyện dành cho môn Bơi và chỉ khác nhau về lượng (tức dựa vào mức độ lứa tuổi của học viên, vận động viên để rút ngắn hay tăng thời gian huấn luyện lên) mà chưa có chương trình huấn luyện chuẩn dành cho từng nhóm đối tượng chuyên biệt như nhi đồng, thiếu niên,... Chính vì vậy, Ủy ban Olympic Đức đã lựa chọn Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á để thực hiện dự án, chương trình hướng dẫn các kỹ năng huấn luyện phòng chống đuối nước là rất tốt, cần thiết phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam hiện nay.
Được biết, dự án này cũng đã được triển khai thành công tại Thái Lan và Malaysia thời gian qua. Còn ở Việt Nam, dự án này đã được triển khai thực hiện thành công ở 2 địa phương là Đà Nẵng và Bình Dương trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua. Trước đó vào năm 2023 dự án này cũng triển khai hiệu quả và tạo được dấu ấn tốt tại một số trường học quốc tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Quang cảnh buổi làm việc
Sau một thời gian làm việc tại Việt Nam về chương trình này cũng như hợp tác, tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến môn Bơi tại Việt Nam hiện nay, Bà Thanh Thảo cho rằng: Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển môn Bơi xếp vào nhóm đầu Đông Nam Á. Bởi, phong trào Bơi tại Việt Nam khá phát triển, nhiều tài năng Bơi rất có triển vọng khi tuổi đời còn rất trẻ. Các bạn trẻ Việt Nam tham gia tập luyện môn Bơi với tinh thần rất chăm chỉ, thái độ nghiêm túc, cầu thị. Đây sẽ là một lợi thế rất tốt để phát triển các tài năng trẻ Bơi tại Việt Nam, từ đó làm nền tảng để phát triển mạnh thể thao đỉnh cao.
Bà Phan Tấn Thanh Thảo nhấn mạnh: Dự án, chương trình hỗ trợ huấn luyện đào tạo môn Bơi của Ủy ban Olympic Đức đã đưa vào Việt Nam được vài năm, song qua thực tiễn khảo sát và giảng dạy cho thấy nhu cầu tập luyện thể thao nói chung và môn Bơi tại Việt Nam có khác với các quốc gia châu Âu. Bởi hầu hết đến với tập luyện thể thao, người dân Việt Nam chủ yếu tìm đến tập luyện theo nhu cầu giải trí, bắt đầu khi độ tuổi đã bước qua giai đoạn vàng (giai đoạn đào tạo cơ bản, huấn luyện ban đầu từ khi còn nhỏ) và điều này sẽ hạn chế thành tích của người tập luyện thể thao phong trào cũng như vận động viên đỉnh cao.
Để môn Bơi tại Việt Nam phát triển mạnh, hiệu quả hơn trong thời gian tới, Cục trưởng Đặng Hà Việt bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ Ủy ban Olympic Đức, Liên đoàn Bơi thế giới, Liên đoàn Bơi Đức trong cả công tác huấn luyện đỉnh cao (chuyên gia, huấn luyện, khoa học công nghệ...), cũng như xây dựng, chia sẻ các chương trình, giáo án chuẩn quốc tế về hướng dẫn Bơi đối với thể thao phong trào tại các câu lạc bộ, trường học.
Để những đề xuất, chương trình hợp tác này sớm đạt được những mục tiêu như kỳ vọng, theo ông Trần Văn Mạnh – Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam cho rằng, phía bộ môn, Liên đoàn Bơi Việt Nam cần sớm xây dựng các chương trình cụ thể đề nghị được hợp tác hỗ trợ.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển môn Bơi, tuy nhiên, để nhận được những chương trình hợp tác, hỗ trợ đúng, trúng và đạt được hiệu quả cao, bộ môn và Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam phải có những đánh giá, khảo sát thực tiễn thật chính xác. Đó sẽ là căn cứ cơ để Ủy Ban Olympic Đức, Liên đoàn Bơi Đức đưa ra chương trình phối hợp, hỗ trợ phù hợp nhất.
Bài, Ảnh: N.H