Bà Eriko Yamaguchi cho biết: việc nghiên cứu tiếp cận toàn diện về bình đẳng giới trong thể thao và thông qua thể thao do Trường Đại học Seijo, Nhật Bản chủ trì thực hiện nhằm phân tích thách thức, khó khăn của phụ nữ và trẻ em gái khi tham gia các hoạt động thể thao và ảnh hưởng của thể thao đối với đời sống của họ tại Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến và bà Eriko Yamaguchi, trường Đại học Seijo, Nhật Bản
Cũng theo bà Eriko Yamaguchi, kể từ năm 2021, phía Nhật Bản đã nỗ lực liên kết với các quốc gia trong khu vực để tạo nên những bước tiến mới trong bình đẳng giới cũng như cải thiện các vấn đề liên quan đến nữ giới.
Thông qua buổi trao đổi và làm việc trực tiếp với 4 nhóm đối tượng gồm: Cơ quan Chính phủ, Nhà nước; Ủy ban Olympic, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao; Tổ chức phi chính phủ; sinh viên đại học là nữ học chuyên ngành về TDTT tại Việt Nam, bà Eriko Yamaguchi mong muốn hiểu rõ hơn về thực trạng và các vấn đề liên quan tới HLV, VĐV nữ nói riêng, nữ giới nói chung cũng như bình đẳng giới tại Việt Nam.
Liên quan tới những câu hỏi mà phía bạn đặt ra, Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ quan điểm rằng mỗi HLV, VĐV nữ đều là những tấm gương điển hình của sự nỗ lực, ý chí kiên cường, khiêm tốn và đặc biệt là sức lan tỏa tình yêu thể thao đến với công chúng và người hâm mộ.
Ở Việt Nam, các HLV, VĐV nữ luôn nhận được sự hậu thuẫn từ phía gia đình cũng như xã hội để tham gia vào các hoạt động thể thao. Các nữ VĐV có tiềm năng luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư trọng điểm như đối với các VĐV nam. Các nhà lãnh đạo nữ trong lĩnh vực thể thao cũng được gia đình tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng ngược lại, họ luôn cho thấy là những hình mẫu của “phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cũng nhấn mạnh sự đa dạng trong tập luyện thể thao của phụ nữ tại Việt Nam. Không chỉ đối với các VĐV đỉnh cao, nhiều môn thể thao như yoga, chạy bộ, đạp xe… đã trở thành những môn thể thao được đông đảo phụ nữ Việt Nam lựa chọn tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, phong trào thể thao học đường cũng phát triển mạnh khi ý thức nâng cao sức khỏe của các bậc phụ huynh đã thay đổi rất nhiều.
Đây là kết quả của công tác truyền thông chính sách, sự phát triển lớn mạnh của phong trào thể thao cho mọi người và Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động này, Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ.
Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến tiếp đoàn cán bộ Trường Đại học Seijo, Nhật Bản
Làm rõ câu hỏi từ phía Bạn liên quan tới sự đầu tư cho các hoạt động thể thao dành cho nữ tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cho biết: Chính phủ Việt Nam dành sự quan tâm công bằng đối với mọi đối tượng, giới tính và đối với mỗi môn thể thao. Tuy nhiên, đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, hải đảo hiện nhận được sự quan tâm sâu sát hơn nhằm cải hiện hạ tầng cơ sở cũng như ý thức tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe của người dân ở những khu vực này.
Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cũng chỉ rõ hạn chế trong mục tiêu tiếp cận toàn diện trong thể thao và thông qua thể thao đối với nữ giới tại Việt Nam đó là chưa có những dự án xứng tầm. Đã có những dự án được triển khai nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho phụ nữ tham gia thể thao nhưng chưa nhiều và quy mô chưa đạt được như mong muốn.
A.T, ảnh Văn Duy