Đối với hoạt động hợp tác song phương, đa phương
Cục TDTT triển khai các hợp tác quốc tế song phương về thể thao với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực ASEAN; Tham gia tích cực vào việc kí kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ VHTTDL và các tổ chức thể thao quốc tế như: Tập đoàn CJ Hàn Quốc giai đoạn 2023-2024, với Bộ Thanh niên, Thể thao, Du lịch Campuchia, với Bộ Thanh niên, Thể thao Cộng hòa hồi giáo Iran, Biên bản ghi nhớ về chương trình tài trợ cho các VĐV Việt Nam giành huy chương tại Olympic Paris giữa Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty TNHH ASONG INVEST;
Ngay từ đầu năm 2023, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TDTT đã ghi dấu ấn rõ nét bằng việc Chủ tịch Quỹ Chiến lược Thể thao quốc tế - ngài Ryu Seung-min sang thăm và làm việc cùng với Ủy ban Olympic Việt Nam. Hai Bên đã đạt được sự thống nhất trong nhiều nội dung hợp tác, nổi bật là Quỹ Chiến lược Thể thao quốc tế sẽ tiến hành hỗ trợ tuyển chọn các VĐV xuất sắc nhất của Việt Nam ở những môn thể thao Hàn Quốc có thế mạnh để đưa sang Hàn Quốc đào tạo dưới sự dẫn dắt của các HLV Hàn Quốc. Và để động viên, khích lệ các VĐV của Việt Nam tập luyện, phấn đấu đạt thành tích tốt nhất tại Thế vận hội Olympic Paris 2024, Công ty TNHH Asong Invest, đối tác chiến lược của Quỹ Chiến lược Thể thao quốc tế tại Việt Nam đã đặt mức thưởng là 1 triệu đô la Mĩ cho VĐV đoạt HCV, 500 nghìn đô la Mĩ cho VĐV đoạt HCB và 200 nghìn đô la Mĩ cho VĐV đoạt HCĐ.
Vào tháng 2/2023, Tập đoàn CJ Việt Nam đã tiến hành kí kết tài trợ cho đội tuyển Taekwondo quốc gia giai đoạn 2023 – 2024 nhằm tiếp tục nuôi dưỡng các nhân tài cả về thể chất và kĩ thuật để theo đuổi môn thể thao này. Cũng trong trong thời gian này, hoạt động hợp tác quốc tế ghi dấu ấn đặc biệt khi tiếp đón Tổng Giám đốc Hội đồng Olympic châu Á - Ngài Husain Al-Musallam sang thăm. Với tư cách là Chủ tịch Liên đoàn Bơi thế giới, Tổng Giám đốc Husain Al-Musallam bày tỏ mong muốn hỗ trợ huấn luyện bơi giàu kinh nghiệm cũng như cam kết sẽ ủng hộ sự phát triển của môn thể thao này tại Việt Nam. Bên cạnh phát triển môn bơi ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, Tổng Giám đốc Husain Al-Musallam bày tỏ mong muốn về việc đào tạo bơi cho càng nhiều trẻ em Việt Nam càng tốt. Mục đích của việc đào tạo này không phải là để các em trở thành VĐV mà chỉ đơn giản là nâng cao sức khỏe và giúp các em tận hưởng niềm vui của cuộc sống.
Một điểm nhấn không thể không nhắc tới trong quan hệ hợp tác quốc tế năm 2023 đó là chuyến thăm của Ủy ban Olympic quốc tế và Cơ quan Y tế quốc tế PATH. Theo đó, đại diện của Ủy ban Olympic quốc tế và Cơ quan Y tế quốc tế PATH bày tỏ mong muốn lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong quá trình triển khai “Sáng kiến hợp tác về thể thao và Y tế cộng đồng”. Sáng kiến này được Ủy ban Olympic quốc tế và Cơ quan Y tế quốc tế PATH phối hợp triển khai nhằm thúc đẩy hơn nữa Chương trình Nghị sự Olympism 365 - tăng cường vai trò của thể thao như một yếu tố thúc đẩy sự phát triển mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, các quốc gia như Hungary, Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, Argetina, Iran, Nam Phi, Nhật Bản... cũng bày tỏ mong muốn tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TDTT với Việt Nam.
Đối với công tác tham mưu, xây dựng và triển khai văn bản liên quan tới lĩnh vực hợp tác quốc tế
Cục TDTT triển khai xây dựng 103 báo cáo (trong đó có 83 văn bản mật) về công tác đối ngoại, quan hệ hợp tác song phương, đa phương, báo cáo chính trị phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các hội nghị, hội đàm; đóng góp ý kiến đối với 29 văn bản về chương trình - kế hoạch; chương trình hành động, thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, hiệp định hợp tác, chiến lược phát triển, đề án phát triển quan hệ hợp tác, tuyên bố chung đối với các cơ quan ngoại giao.
Đối với hoạt động phối hợp triển khai quan hệ quốc tế
Cùng với Ủy ban Olympic Việt Nam, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các ngành, địa phương triển khai thực hiện hoạt động với các tổ chức thể thao quốc tế và các quốc gia nhằm mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, huấn luyện VĐV, trao đổi chuyên gia, trao đổi các đoàn thể thao tham dự các cuộc thi đấu, hợp tác về khoa học, y học, phòng chống doping trong lĩnh vực TDTT; tổ chức đón tiếp chu đáo các đoàn khách quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam; thuê và quản lý 19 chuyên gia nước ngoài huấn luyện cho các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.
Trong năm 2023, công tác hợp tác quốc tế còn góp phần không nhỏ vào việc tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị và tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32, Đại hội Thể thao người khuyết tật lần thứ 12 tại Campuchia và Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19, Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 4 tại Trung Quốc.
Là một lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của toàn ngành, bởi vậy trong năm 2024 công tác hợp tác quốc tế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh về mọi mặt. Trong đó tập trung vào hợp tác với các quốc gia có quan hệ truyền thống, gắn bó như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cu Ba, Hungary, Nga, Mỹ…; tham gia và hưởng ứng các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN với vai trò chủ trì SOMS và AMMS năm 2024, 2025; tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao...
A.T, ảnh Văn Duy