Mở đầu buổi tiếp, Ngài Đại sứ đã gửi lời cảm ơn về sự đón tiếp nồng thị từ Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đồng thời nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác bền chặt trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt giữa Việt Nam và Ấn Độ có nhiều nét tương đồng về văn hóa như tôn giáo có đạo phật và nhiều di sản mang giá trị lịch sử lâu đời. Đây sẽ là nền tảng để hai nước thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ngày càng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Cùng với đó, Ngài Đại sứ cũng gửi lời chúc mừng tới những thành công mà Việt Nam đã và đang làm rất tốt trong việc khống chế, kiểm soát dịch Covid – 19, được đông đảo bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Ngài Đại sứ Pranay Verma chia sẻ: trong thời điểm vừa qua, khi đại dịch Covid – 19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới, bản thân ông, các thành viên trong đoàn cũng như nhiều cán bộ ngoại giao đang công tác ở Việt Nam đều cảm thấy yên tâm, an toàn và luôn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác, tư vấn rất tốt, kịp thời từ Chính Phủ Việt Nam và các Bộ, Ngành liên quan. Đây là điều rất đáng trân trọng mà không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có thể làm được.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp Ngài Paranay Verma - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam
Thực hiện chương trình hợp tác, thời gian qua hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình hoạt động văn hóa có ý nghĩa, trong đó phải kể đến các chương trình biểu diễn nghệ thuật, tuần phim. Đáng chú ý, gần đây nhất sự kiện “Ngày Quốc tế Yoga” được tổ chức tại Quảng Ninh đã diễn ra thành công, để lại những ấn tượng đẹp với người dân Việt Nam. Có được thành công đó là nhờ vào sự hỗ trợ, ủng hộ và hợp tác rất hiệu quả từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.
Ngài Đại sứ Pranay Verma chia sẻ thêm: hiện nay, Viện nghiên cứu khảo cổ học Ấn Độ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (gồm các khu A, H, K) do Chính phủ Ấn Độ tài trợ bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Dự án, trong năm 2020, cơ quan Nghiên cứu khảo sát, khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đã và đang tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ và bảo tồn, tu bổ nhóm tháp A – Mỹ Sơn (bao gồm: phục dựng bậc cấp phía Đông, Tây và định vị 02 đà cửa đá của tháp A8; tái định vị một số thành phần kiến rúc và gia cố, phục hồi tường bao tháp A10; phục hồi nền móng, bó vỉa đế tháp A11; dự kiến phục hồi, tái định vị đài thờ trong lòng tháp A10). Về những việc này, phía Ấn Độ tiếp tục mong muốn được hỗ trợ Việt Nam triển khai tu bổ tại nhóm tháp F thuộc khu di tích Mỹ Sơn và một số di tích khác.
Ở lĩnh vực Thể dục Thể thao: trong năm 2019, Ấn Độ có đội Bóng đá thiếu niên sang thi đấu giao hữu tại Việt Nam đã mang lại sự gắn kết và mở ra những định hướng phát triển, hợp tác mới ở lĩnh vực này trong thời gian tới. Nhân dịp này, Ngài Đại sứ Pranay Verma gửi lời chúc mừng những thành công của Bóng đá Việt Nam có được trong thời gian qua. Qua theo dõi và nghiên cứu về Việt Nam, bản thân Ngài Đại sứ nhận thấy Bóng đá là môn Thể thao được đông đảo người dân Việt Nam yêu thích, đây cũng là môn Thể thao nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Chính phủ. Do dó, Ấn Độ rất mong muốn thời gian tới không chỉ bộ môn Bóng đá mà nhiều bộ môn thể thao khác của hai quốc gia sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa.
Trong khi đó, ở lĩnh vực Du lịch, từ năm 2014, hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao lên quan hệ đối tác chiến lược. Cuối năm 2019, hai nước có đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn, các trung tâm du lịch. Thời gian qua số khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 130.000 lượt. Tuy con số này còn khá khiêm tốn, song Ngài Đại sứ hy vọng, thời gian tới với những chính sách kích cầu và chiến lược hợp tác lâu dài, lượng khách Việt Nam đến Ấn Độ và ngược lại ngày càng tăng cao. Đặc biệt, trong khu vực Đông Nam Á, tài nguyên du lịch của Việt Nam được đánh giá rất cao nên triển vọng thu hút khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam là rất lớn.
Ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác của Ấn Độ và Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong công tác bảo tồn di tích tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ hy vọng với mối quan hệ, hợp tác tốt đẹp từ nhiều năm qua, ngay sau khi đại dịch Covid – 19 kết thúc, các hoạt động quốc tế được trở lại, phía Việt Nam sẽ đẩy mạnh sự hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch bằng việc tăng cường trao đổi các đoàn cán bộ lãnh đạo, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên nhằm học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về các lĩnh vực quản lý, đào tạo và phát triển Thể dục Thể thao của mỗi nước. Hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Hiệp định hợp tác du lịch song phương cấp Chính phủ đã ký năm 2001 nhằm thực hiện hóa mục tiêu trao đổi khách giữa hai quốc gia đạt 500 nghìn lượt năm 2022. Cùng với đó, phía Ấn Độ sẽ cung cấp cho Việt Nam các văn bản Chăm cổ và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch sẽ giao Bảo tàng lịch sử quốc gia chủ trì tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý bảo quản, phát huy giá trị…
Bài, Ảnh N.H