|
Hội nghị Bộ trưởng Liên chính phủ châu Á, châu Đại Dương lần thứ 14 về Phòng chống Doping trong thể thao (Ảnh:TC TDTT) |
Đây là Hội nghị thường niên với có sự tham dự của đại diện cấp Bộ trưởng, Chính phủ, tổ chức chống Doping quốc gia (NADO) của 29 nước thành viên thuộc khu vực châu Á, châu Đại Dương cùng đại diện của 6 tổ chức WADA thế giới và UNESCO... Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động trong năm 2016-2017 cũng như bàn bạc và thống nhất phương hướng hoạt động cho năm 2018. Hội nghị lần thứ 14 rất quan trọng trong việc đánh giá công tác triển khai áp dụng bộ Luật chống Doping thế giới năm 2015.
Hội nghị đã nghe các báo cáo của lãnh đạo WADA thế giới, châu Á, châu Đại dương, các nước thành viên và thảo luận về tình hình triển khai và áp dụng Luật chống Doping của các nước trên thế giới, những khó khăn và thành tích đạt được khi triển khai áp dụng. Các nước thành viên đã trình bày báo cáo của nước mình về các hoạt động trong năm 2016, nhấn mạnh những thành tựu, khó khăn và hướng giải quyết trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã báo cáo hoạt động phòng chống Doping năm 2016 của Việt Nam. Báo cáo nhấn mạnh những thành tích đã đạt được tại Đại hội thể thao bãi biển lần thứ 5 tại Đà Nẵng qua việc tổ chức và triển khai thành công công tác lấy mẫu, xét nghiệm, quản lý kết quả và xử phạt VĐV trước và trong Đại hội. Trên 300 mẫu nước tiểu đã được lấy theo đúng quy trình, Việt Nam đã gửi xét nghiệm tại Labo Thái Lan và xử lý 1 trường hợp dương tính với Doping. Trung tâm Doping và Y học thể thao đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền giáo dục về phòng chống Doping cho VĐV, HLV trên toàn quốc với sự tham gia của trên 2.000 người, giúp nâng cao sự hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của VĐV trong phòng chống Doping.
Hội nghị dành thời gian thảo luận về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện khi một số nước chưa ký cam kết thực hiện bộ luật tại khu vực châu Á, châu Đại Dương và còn một số nước chưa đưa ra nghị định, quy định, hướng dẫn, cũng chư chưa đóng kinh phí thành viên với WADA trong những năm qua. Hội nghị đã khuyến nghị WADA cần tiếp tục có chính sách giúp đỡ các nước nghèo, khó khăn trong việc tham gia tập huấn đào tạo, dịch bộ luật ra tiếng nước mình, những hướng dẫn thực hiện trong nước, cam kết với UNESCO và WADA.
Hội nghị cũng thảo luận phương hướng, chính sách khuyến khích các nước tham gia chương trình, dự án hợp tác với UNESCO trong phòng chống Doping. UNESCO tiếp tục hỗ trợ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học của các nước trong phòng chống Doping. Đề nghị các nước đủ tiêu chuẩn ứng cử, bầu cử trở thành thành viên thường trực của Quỹ châu Á phòng chống Doping nhiệm kỳ 2018-2022, với các tiêu chuẩn sau:
- Đóng góp kinh phí đầy đủ từ năm 2014 đến hết 2017.
- Là nước thành viên đã ký cam kết với UNESCO về chống Doping trong thể thao.
- Ủy ban quốc gia chống Doping (NADO) ký cam kết với WADA về việc thực hiện Luật chống Doping thế giới 2015.
- Quy trình bầu cử sẽ được gửi đến các nước, bắt đầu từ tháng 7/2017 và sẽ kết thúc vào giữa tháng 11/2017.
Theo TC TDTT