Thứ trưởng Vương Duy Biên tiếp chuyên gia về sở hữu trí tuệ Hoa kỳ

Ngày 13/12, tại Hà Nội Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã có buổi tiếp chuyên gia về sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ bà Jane GinsBurg, giáo sư khoa Luật đại học Columbia. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Vụ hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại buổi tiếp, bà Jane GinsBurg, giáo sư khoa Luật đại học Columbia cho biết: Đây là lần thứ 2 bà được trở lại Việt Nam làm việc, chia sẻ kinh nghiệm những vấn đề liên quan đến bản quyền và sở hữu trí tuệ. Buổi làm việc với Thứ trưởng Vương Duy Biên lần này rất hữu ích, sẽ mở ra sự khởi đầu mới trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Giáo sư Jane GinsBurg nhấn mạnh: trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên đặc biệt quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và hiện nay, khi Việt Nam đã gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng được quan tâm hơn.

Toàn cảnh buổi tiếp (Ảnh: Văn Duy)
Tại Mỹ để phòng tránh các vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các cơ quan thực thi pháp luật hướng đến những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc vi phạm, những người cung ứng các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này có thể là chế tài dân sự hoặc hình sự. Tuy nhiên, tại Mỹ chế tài xử lý vi phạm dân sự tương đối mạnh mẽ và đủ sức răn đe, do đó biện pháp này được sử dụng nhiều hơn so với các chế tài hình sự.

Còn ở Châu Á, Giáo sư Jane GinsBurg cho hay, hiện việc quản lý và thực trạng về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là hình ảnh của Hàn Quốc và Singapore cách đây 20 năm, họ rất lúng túng và gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề về quyền, luật sở hữu trí tuệ. Song với sự quyết tâm của Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan ở 2 quốc gia này đã làm thay đổi nhận thức từ các cấp quản lý đến người dân, họ đưa vào giáo dục từ trường học giúp thế hệ trẻ hiểu và nhận thức chính xác về vấn đề sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy mà Hàn Quốc, Singapore là 2 quốc gia đứng hàng đầu châu Á về công tác sở hữu trí tuệ.

Đồng thuận về các vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định: Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay có nhiều văn bản điều chỉnh vấn đề này như Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Khoa học công nghệ… và nhiều văn bản hướng dẫn, thi hành các luật trên. Tuy nhiên, công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế lại vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi. Những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp diễn ra ngày càng phổ biến với mức độ và tính chất ngày càng phức tạp, nghiêm trọng gây ra những tổn thất rất lớn về mặt kinh tế, uy tín cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ; chế tài xử phạt hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn yếu, chưa đủ sức răn đe; ý thức của các doanh nghiệp, cá nhân về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được đề cao…

Vấn đề sở hữu trí tuệ mang phạm trù rất rộng trên nhiều lĩnh vực, ở Việt Nam vấn đề này còn lỏng lẻo, thậm chí nhiều cơ quan, tổ chức, người dân chưa hiểu rõ, đúng về sở hữu trí tuệ điều đó đã phần nào làm cản trở tới công tác quản lý về vấn đề này. Chính vì vậy, Thứ trưởng Vương Duy Biên mong muốn nhận được sự tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cũng như sự đồng hành của Giáo sư Jane GinsBurg để công tác quản lý, điều hành sở hữu trí tuệ được hiệu quả hơn đặc biệt đối với các lĩnh vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý.

Nhận lời và hứa sẽ đồng hành cùng các nhà quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sớm hoàn thiện khung pháp lý hữu hiệu, khả thi đối với việc sở hữu trí tuệ, Giáo sư Jane GinsBurg cho rằng, việc trước mắt cần làm bây giờ chính là làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Việt Nam phải luôn nâng cao và tạo được môi trường tốt cho người sáng tạo. Cùng với đó là phải có 1 đơn vị riêng biệt quản lý thực thi về các vấn đề liên quan đến bản quyền tác giả. Sớm xây dựng cơ chế chuẩn về đền bù, phạt nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức vi phạm luật bản quyền... Có như vậy công tác sở hữu trí tuệ tại Việt Nam mới có thể phát triển mạnh.   

N. H
 

Ảnh trong bài
  • Thứ trưởng Vương Duy Biên tiếp chuyên gia về sở hữu trí tuệ Hoa kỳ