Trung Quốc đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Thể thao Việt Nam

Sáng 1/3/2016, nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn Cán bộ Tổng cục TDTT Trung Quốc tại Việt Nam do ông Zhang Chi - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Thẩm định - Tài Vụ làm trưởng đoàn, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục TDTT Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với các thành viên trong đoàn về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Ông Zhang Chi (giữa) - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Thẩm định - Tài Vụ chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý TDTT tại Trung Quốc (Ảnh:Văn Duy)
Theo đó, trong chuyến thăm và làm việc lần này, các thành viên của đoàn Cán bộ Tổng cục TDTT Trung Quốc là Đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Huấn luyện, Vụ Chính sách pháp luật, Văn phòng Tổng cục TDTT Trung Quốc mong muốn được cùng đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Thể thao thành tích Cao, Vụ Thể dục Thể thao Quần chúng... thảo luận về các vấn đề có liên quan tới vai trò, cơ cấu hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội, vai trò quản lý của Tổng cục TDTT đối với các đơn vị sự nghiệp; cơ chế, chính sách đối với VĐV... Bên cạnh đó, hai Bên cũng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyển chọn VĐV, công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính.

Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích Cao II - ông Đỗ Đình Kháng cho biết, TTVN những năm gần đây có sự phát triển đáng khích lệ, các môn thể thao tham dự các giải từ khu vực đến quốc tế đều có thành tích rất tốt như Điền kinh, Bơi, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Pencak Silat... Tuy nhiên, thành tích tại các Đại hội lớn như Asiad thì chưa thực sự vững chắc. Đặc biệt đối với các môn nằm trong hệ thống Olympic còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như tìm kiếm tài năng, kinh phí..... Hai năm gần đây, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục TDTT trong việc xác định các môn đầu tư trọng điểm, các môn Olympic có truyền thống phát triển tốt như Bơi, Cử tạ, Thể dục dụng cụ đã gặt hái được những kết quả khả quan ban đầu. Các môn thể thao khác ưu tiên cho địa phương phát triển tập trung hay kêu gọi xã hội hóa.

Chia sẻ với những khó khăn mà thể thao thành tích cao Việt Nam phải đối mặt, ông Zhag Chi cũng cho biết đây đều là những khó khăn mà thể thao Trung Quốc đã từng phải đối mặt và để giải quyết vấn đề này, phải cần một lộ trình. Về mặt lựa chọn các thể hệ VĐV tiếp nối, Trung Quốc có lợi thế hơn Việt Nam ở chỗ: ngoài các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, ở mỗi tỉnh, thành phố, thị xã đều có trung tâm huấn luyện. Đó chính là lý do mà Trung Quốc có nhiều cơ hội để lựa chọn ra các VĐV thể thao tiềm năng.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục TDTT Việt Nam với đoàn Cán bộ Tổng cục TDTT Trung Quốc (Ảnh: Văn Duy)
Cũng tại buổi làm việc, trả lời quan tâm của bà Nguyễn Kim Lan - Phó Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 về việc Trung Qốc đầu tư thế nào cho các môn thể thao trọng điểm, ông Zhag Chi cũng cho biết thêm, tính đến nay các môn thể thao Olympic tại Trung Quốc được đầu tư công bằng (không phân biệt môn có thành tích tốt và chưa tốt), những môn không nằm trong hệ thống Olympic cũng như Việt Nam chủ yếu để địa phương đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa.

Bên cạnh đó, ông  Zhag Chi cho rằng vấn đề được coi là bài toán khó đối với Trung Quốc hiện nay đó là VĐV sau giải nghệ liên quan mật thiết tới sự nghiệp, chấn thương suốt đời... Đây sẽ là vấn đề đặc biệt khó khăn đối với các nước có nền thể thao đang trong quá trình phát triển.

Sau khi trao đổi với ông Tần Lê Minh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ để hiểu thêm về công tác quản lý Liên đoàn, Hiệp hội tại Việt Nam cũng như sự hỗ trợ của Tổng cục TDTT cho các Liên đoàn, Hiệp hội TTVN, ông Zhag Chi chia sẻ, tại Trung Quốc, Hiệp hội thể thao nào muốn được cấp tiền hoạt động phải xây dựng Đề án trong đó nêu rõ trách nhiệm đối với Chính phủ và xã hội. Tức là những lợi ích mà Liên đoàn, Hiệp hội đó sẽ mang lại cho Chính phủ và xã hội để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Kết thúc buổi làm việc, ông Zhag Chi bày tỏ lời cảm ơn về các thông tin hữu ích mà đại diện các Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT đã cung cấp. Ông Zhag Chi cũng khẳng định, qua buổi làm việc này, có rất nhiều vấn đề liên quan tới công tác quản lý trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, quản lý đơn vị sự nghiệp, Liên đoàn Hiệp hội mà hai Bên có thể học hỏi lẫn nhau. Ông Zhag Chi đánh giá cao những điểm mới trong công tác cải cách hành chính của TTVN; đồng thời hy vọng trong thời gian tới, hai bên sẽ có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thể thao lên một tầm cao mới.

A.T

Ảnh trong bài
  • Trung Quốc đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Thể thao Việt Nam