|
Đại biểu dự Hội thảo (Ảnh: B.V) |
Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, Tham tán ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam - ông Jacob Green, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO Bộ ngoại giao - bà Trần Hoàng Mai, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Lê Văn Nghiêm cùng đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Hội thảo tập trung đề cập các nội dung chính gồm: Khai thông, củng cố và thắt chặt mối quan hệ với các nước, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế; vận động để Việt Nam có thêm nhiều di sản được UNESCO công nhận và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn khẳng định văn hóa đang thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học là nhiệm vụ rất quan trọng.
Hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến đóng góp hữu ích từ các đại biểu tham dự, trong đó nổi bật là các ý kiến của ông Poul Bache - cơ quan văn hóa Đan Mạch, bà Trần Hoàng Mai Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO Bộ ngoại giao, và ông Lê Văn Nghiêm Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, ông Poul Bache thuật ngữ văn hóa đối ngoại rộng hơn thuật ngữ ngoại giao văn hóa, là việc triển khai các hoạt động văn hóa do Nhà nước làm chủ đạo nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa phù hợp với yêu cầu chung của công tác đối ngoại. Văn hóa đối ngoại toàn cầu hiệu nay có thể được tóm lược bằng sự cạnh tranh gay gắt. Việc quảng bá văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế sẽ dựa vào điểm mạnh của Văn hóa Việt Nam.
Một phần của chiến lược là tạo môi trường thuận lợi nhất tại Việt Nam cho các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức văn hóa và du lịch quốc tế. Việc này được thực hiện thông qua phối hợp với quảng bá văn hóa, du lịch và bằng việc tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, hấp dẫn tại Việt Nam. Việc tổ chức một sự kiện văn hóa ở cấp độ quốc tế đòi hỏi phải có sự đầu tư lâu dài, phân tích chuyên sâu, nghiêm túc về thị trường và khả năng nghệ thuật, quản lý cao.
Ông Poul Bache cũng đánh giá rằng đây là một dự thảo mang tính hiện thực cao bởi sự nhìn nhận rằng các mục tiêu đòi hỏi nỗ lực lớn và dài hạn. Mặc dù có mục tiêu dài hạn nhưng chiến lược cần chứng minh được những thành công trong ngắn hạn để duy trì được sự ủng hộ về mặt chính trị cũng như tài chính.
Tại Hội thảo, bà Trần Hoàng Mai đã làm rõ hai khái niệm ngoại giao văn hóa và văn hóa đối ngoại. Theo đó, ngoại giao văn hóa là dùng văn hóa để làm ngoại giao, để khai thông, phát triển, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước; và dùng ngoại giao để phục vụ các mục tiêu văn hóa quốc gia. Còn văn hóa đối ngoại là sự giao lưu, trao đổi quốc tế ở các lĩnh vực văn hóa từ văn học, nghệ thuật.. đến ngôn ngữ, giáo dục, khoa học... với phạm vi rất tộng. Nó bao gồm cả họa động thương mại, trao đổi, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ, văn hóa. Có thể thấy 2 khái niệm này không phải là một song có vùng giao trùng nhau. Ngoại giao văn hóa khi sử dụng công cụ văn hóa thuộc lĩnh vực thẩm quyền của Bộ VHTTDL và khi hoạt động để bảo vệ lợi ích văn hóa giao trùng với văn hóa đối ngoại..
Bên cạnh đó, góp ý cho chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, bà Trần Hoàng Mai khẳng định cần cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện với 7 nội dung gồm: đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác ngoại giao văn hóa; bảo đảm nguồn lực cho công tác ngoại giao văn hóa; gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với công tác về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam; đa dạng hóa các loại hình vận động danh hiệu quốc tế; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Phát biểu về vai trò của truyền thông trong việc thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại, ông Lê Văn Nghiêm Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: hiện nay với 977 cơ quan báo in; 1.084 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia; 67 đài phát thanh, truyền hình; 74 báo và tạp chí điện tử; 1.174 trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới và tiếp thu các tinh hoa văn hóa của thế giới vào Việt Nam.
Để phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại nêu đề xuất như xây dựng nhiều sản phẩm truyền thông mang tính chuyên nghiệp; phối hợp với các ngành kinh tế, kinh doanh để xây dựng các sản phẩm văn hóa chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam. Ngành văn hóa cần có chiến lược truyền thông phục vụ chiến lược văn hóa đối ngoại. Đội ngũ làm truyền thông của ngành văn hóa nên xây dựng mối quan hệ hợp tác, tích cực, thân thiện và tin cậy với giới truyền thông nói chung, đặc biệt là truyền thông nước ngoài để giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam tới hàng tỷ người trên thế giới.
Bên cạnh các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý văn hóa, đội ngũ nhà khoa học, những người hoạt động chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước để cụ thể hóa chiến lược văn hóa đối ngoại Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đại biểu sự hội thảo còn được nghe chia sẻ kinh nghiệm về hợp tác vă hóa quốc tế của Đan Mạch; Hàn Quốc...
A.T