Hoà nhịp với công cuộc đổi mới toàn diện và mạnh mẽ đang diễn ra trên đất nước Việt Nam, Thể thao Việt Nam đang có nhiều bước tiến đáng kể để hội nhập vào phong trào và tiến trình phát triển của Thể thao Thế giới.
Được tạo nhiều điều kiện thuận lợi, đặc biệt là đường lối đối ngoại rộng mở: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”, hoạt động quan hệ quốc tế về Thể dục Thể thao của Việt Nam những năm qua tiếp tục phát triển sâu rộng với nhiều cường quốc thể thao trên thế giới, ở tất cả các châu lục: Châu á - Thái Bình Dương, Âu, Mỹ, Mỹ La Tinh, kể cả Bắc Phi, như các nước Asean, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Italia, Anh, Pháp, Đức, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, các nước Đông Âu cũ như Cộng hoà Sec, Slovakia, Bungari, Rumani, Mỹ, Achentina, Brazin... và nhiều nước khác trên thế giới. Quan hệ quốc tế về TDTT với các nước này ngày càng tập trung vào mục tiêu chất lượng, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với các điều kiện kinh tế tài chính, trình độ chuyên môn, thể chất con người Việt Nam nhằm mục đích phát triển nền TDTT Việt Nam XHCN.
Việt Nam duy trì quan hệ trao đổi thường xuyên với hơn 40 nước, các tổ chức Thể thao Quốc tế trong khu vực, châu lục và trên thế giới, là thành viên của hơn 60 Liên đoàn Thể thao Quốc tế khác. Việt Nam là một nước thành viên của Uỷ ban Olympic Quốc tế, nằm trong chương trình mục tiêu của FIFA. Hiện nay, Việt Nam có nhiều đại diện nắm vị trí cao cấp trong nhiều Liên đoàn Thể thao Quốc tế, hiện đang giữ các chức vụ: Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Thể thao Đông Nam á, Trưởng ban Tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam á lần thứ 22 - SEA Games 22. Ngoài ra, số lượng cán bộ, trọng tài có đủ trình độ Quốc tế để tham gia điều hành các giải thể thao khu vực, châu lục và trên thế giới ngày càng tăng một cách rõ rệt.
Trên cơ sở các mối liên hệ hợp tác này, Thể thao Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất tốt trong các lĩnh vực như đào tạo cán bộ, HLV, trọng tài, VĐV tập huấn ở trong và ngoài nước. Thể thao Việt Nam cũng ngày càng có nhiều cơ hội để mời được các chuyên gia, HLV có trình độ Quốc tế giỏi đến giúp Việt Nam ở nhiều bộ môn như bóng đá nam, bóng đá nữ, bơi lội, điền kinh, quần vợt, xe đạp, thể dục, các môn võ như: Teakwondo, Karatedo, Judo, Wushu... phục vụ các nhu cầu đào tạo trước mắt và lâu dài, và đặc biệt chuẩn bị cho SEA Games 2003 tại Việt Nam, góp phần tăng cường tình hữu nghị với các nước trên thế giới. Trong đấu trường Thể thao Quốc tế, có thể nói Thể thao Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Nếu lấy mốc kể từ SEA Games 15 năm 1989 tại Kualarlampua Malaysia (sau một thời gian vắng mặt kể từ SEA Games 8 năm 1975 tại Bangkok Thái Lan), Việt Nam chỉ đứng thứ 7 trong 9 nước thì đến SEA Games 21 năm 2001 tại Malaysia, Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước. Nhiều năm qua, Thể thao Việt Nam đã giành được hàng trăm huy chương vàng của nhiều môn thể thao tại nhiều đấu trường thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Cờ đỏ sao càng và Quốc ca Việt Nam đã hàng trăm lần được cất lên trên nhiều diễn đàn, đấu trường quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Tổ quốc Việt Nam trên thế giới, đem lại vinh quang cho Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Hiện nay Uỷ ban Thể dục Thể thao Việt Nam, Uỷ ban Olympic Việt Nam và toàn ngành Thể thao Việt Nam đang phối hợp cùng với các bộ ban ngành hữu quan khẩn trương chuẩn bị để Việt Nam đăng cai thành công Đại hội Thể dục Thể thao Đông Nam á lần thứ 22 vào tháng 12 năm 2003.
Trên bước đường phấn đấu đi lên hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước trao cho, để nhanh chóng đuổi kịp trình độ thể dục thể thao của các nước trong khu vực, châu lục và trên thế giới, Thể thao Việt Nam đang kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực liên quan đến Thể dục Thể thao, khắc phục nhiều khó khăn do chiến tranh trước đây và thiên tai để lại, nhanh chóng xây dựng một nền Thể thao phát triển hiện đại mang đậm nét riêng của Thể thao Việt Nam.