Công tác Hợp tác quốc tế của ngành TDTT: một năm nhìn lại

Cùng với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội... công tác Thể dục Thể thao luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước, trong đó có hoạt động ngoại giao. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên hội nhập quốc tế, hoạt động Thể dục Thể thao đóng vai là cầu nối trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới.

Năm 2011 là năm khá nổi bật của ngành Thể thao Việt Nam cùng với nhiệm vụ trọng tâm là tham gia 02 Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á là SEA Games 26 và Para Games 6 tại Indonesia. Và ở cả 2 sự kiện lớn này, Thể thao Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào với 96 HCV - SEA Games 26 và 44 HCV - Para Games 6 lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4 trong bảng xếp hạng huy chương.

Trong năm qua, các hoạt động đối ngoại ở lĩnh vực TDTT được tập trung chủ yếu vào việc chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 26 và vòng loại Olympic London 2012. Tổng cục TDTT đã cử nhiều đội tuyển quốc gia ở các môn thể thao thành tích cao ra nước ngoài tập huấn trung, dài hạn và mời 27 chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam huấn luyện cho đội tuyển quốc gia. Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại và các công tác khác về hợp tác quốc tế đều được triển khai rất hiệu quả và đạt được những kết quả nhất định.

Riêng đối với công tác ký kết các thỏa thuận hợp tác đã có 2 thỏa thuận được ký kết trong năm qua là: Thỏa thuận hợp tác về TDTT giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2011 - 2015 và thỏa thuận hợp tác về TDTT giữa Việt Nam và Triều Tiên giai đoạn 2011 - 2015. Điểm lại một số kết quả tiêu biểu trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác đối ngoại của ngành TDTT Việt Nam trong năm 2011 có thể khẳng định công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TDTT luôn được quan tâm chú trọng và đã có những bước phát triển vượt bậc, xứng tầm với sự phát triển của ngành.

Với Lào: Việt Nam đã cử 07 HLV sang giúp huấn luyện các đội tuyển của Lào để chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 26 tại Indonesia; tiếp đoàn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể thao quốc gia Lào sang thăm, làm việc và ký thỏa thuận hợp tác về TDTT giai đoạn 2011 - 2015. Đón đoàn Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Thể thao quốc gia Lào sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 21-26/6/2011 và trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng cục TDTT.

Triều tiên, tiếp đoàn Thứ trưởng Bộ Thể thao Triều Tiên sang thăm, làm việc và ký thỏa thuận hợp tác về TDTT giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thể thao Triều Tiên giai đoạn 2011 - 2015.

Belarus, đã cử đội tuyển Điền kinh Việt Nam gồm 7 thành viên sang tập huấn tại Belarus chuẩn bị cho SEA Games 26  tại Indonesia và vòng loại Olympic London 2012.

Trung Quốc, đón tiếp đoàn Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, cử cán bộ Tổng cục Thể dục Thể thao sang Trung Quốc tìm hiểu về chính sách Thể thao...

Hàn Quốc, Tổng cục TDTT đã phối hợp cục hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực TDTT; Đoàn cán bộ Tổng cục TDTT sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc từ 1 - 04/12.

Với mục tiêu không ngừng phát triển và mở rộng tạo sự gắn kết, trao đổi trên lĩnh vực TDTT giữa Việt Nam với các nước, ngành TDTT Việt Nam đã xây dựng các chương trình hợp tác với nhiều quốc gia khác như Đài Loan, Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ, Uzbekistan, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Pháp, Tây Ban Nha, Palestin, Angieria, Đức, Ôxtrâlia, Hàn Quốc, Triều Tiên, Cuba và Luxembourg.

Bước sang năm 2012 là năm bản lề rất quan trọng đối với ngành Thể dục Thể thao Việt Nam (Đây cũng là năm thứ 2 thực hiện quy hoạch chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020), chính vì vậy công tác hợp tác quốc tế của ngành TDTT sẽ tiếp tục được tăng cường hiệu quả. Đây cũng là năm mà Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho Thế vận hội Thể thao mùa hè (Olympic London) lần thứ 30, Thế vận hội Thể thao mùa hè cho người khuyết tật (Paralympic London); Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ngoài ra, Thể thao Việt Nam cũng sẽ hướng tới việc tham dự vào một số Đại hội Thể thao khu vực như: Đại hội Thể thao quốc tế lần thứ V dành cho thiếu niên Châu Á tại Cộng hòa Shakha, Đại hội Thể thao Tiểu vùng sông MeKong tổ chức tại Thái Lan.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, công tác hợp tác quốc tế của ngành TDTT trong năm tới sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc một số các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và toàn ngành giao như: Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TDTT, trong đó ưu tiên củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác TDTT với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, đặc biệt là với Trung Quốc và các vùng giáp biên giới với các nước trên; Thực hiện các hoạt động theo chương trình hợp tác đã ký với các nước và mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia phục vụ nhiệm vụ chính trị ngoại giao của Đảng và Nhà nước, tiếp tục nâng cao vị thế Việt Nam và Hội nhập với các quốc gia trên thế giới; hỗ trợ và đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các sự kiện thể thao lớn của châu lục và thế giới.

N. Hương

Ảnh trong bài
  • Công tác Hợp tác quốc tế của ngành TDTT: một năm nhìn lại