Thể thao luôn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới

Trong bối cảnh kinh tế, xã hội ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung còn nhiều khó khăn và biến động khó lường, ngành TDTT Việt Nam đã, đang và luôn nỗ lực hết mình vì sự phát triển ổn định chung của đất nước từ đó khẳng định vị thế, vai trò của TTVN trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.

HCV mang tên Nguyễn Đình Cương tại SEA Games 25 (Ảnh: Thế Thiện)
Một trong những sân chơi làm nên dấu ấn Việt Nam phải kể đến đấu trường khu vực Đông Nam Á, nơi TTVN luôn duy trì vị trí trong tốp 3 quốc gia hàng đầu bảng tổng sắp những năm gần đầy. TTVN đánh dấu sự trở lại ngôi nhà chung Đông Nam Á từ SEA Games năm 1989 tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) với thành tích đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng (3 HCV, 11 HCB và 5 HCĐ). Tiếp đến, tại SEA Games 22, với vai trò nước chủ nhà sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được sự quan tâm, đầu tư thích đáng của Đảng, Nhà nước, TTVN đã làm tròn trách nhiệm, mang đến thành công vang dội, ghi dấu ấn hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Nước chủ nhà đã hoàn thành mục tiêu số 1 mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao phó khi tổ chức SEA Games 22 đó là tạo sự đoàn kết, hữu nghị với các nước bạn bằng con đường thể thao; đồng thời giới thiệu một nước Việt Nam văn hiến, mến khách và giàu tinh thần thượng võ mà đoàn TTVN, qua đó làm rạng danh đất nước với thành tích xuất sắc trong vai trò số 1 bảng tổng sắp huy chương tại Đại hội.

Tại SEA Games 23, TTVN đã duy trì một vị thế cực kỳ vững chắc và ổn định trong tốp 3 quốc gia dẫn đầu tại khu vực Đông Nam Á. Đến SEA Games 25, TTVN vươn mình đáng kể bằng ngôi Á quân lần đầu tiên trên đất khách.

Cùng với SEA Games 22, AIG III đã ghi đậm dấu ấn vai trò của nước chủ nhà Việt Nam (Ảnh: Thế Thiện)
Tiếp nối thành công của SEA Games 22 về công tác tổ chức một sự kiện thể thao lớn, TTVN lại vinh dự nhận trọng trách mà Uỷ ban Olympic Châu Á (OCA) giao phó đó là trở thành nước chủ nhà của Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần thứ 3. Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL nói chung, lãnh đạo ngành TDTT nói riêng đều cho rằng đây là một thử thách mới bởi công tác tổ chức sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục đòi hỏi những điều kiện khắt khe hơn nhiều so với SEA Games. Thế nhưng, vượt qua khó khăn, TTVN lại một lần nữa khẳng định khả năng của mình để đón nhận những lời khen ngợi từ bạn bè quốc tế.

Không chỉ khẳng định mình trong công tác tổ chức các sự kiện thể thao lớn, ngành TDTT còn chủ động phát huy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo hướng đa dạng, thiết lập và phát triển quan hệ với các đối tác như: Úc, Trung Quốc, Đức, Lào, Mỹ, Hàn Quốc... TTVN đã gặt hái được thành quả đáng khích lệ trong việc củng cố các mối quan hệ quốc tế về TDTT với các nước bạn truyền thống, các đối tác mới thiết lập quan hệ. Đặc biệt, việc hướng tới xây dựng quan hệ hợp tác với các cường quốc thể thao trên thế giới bước đầu đã có những dấu hiệu đáng mừng. Đây chính là những yếu tố quan trọng để ngày càng khuếch trương hình ảnh TTVN nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung trên trường quốc tế...

Từ những kết quả đã đạt được trong năm qua, bước sang năm mới 2011 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, cũng là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cùng với toàn ngành, TTVN sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng: chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 26 và Para Games 6 tại Indonesia, chuẩn bị cho vòng loại Olympic năm 2012 và các hoạt động thể thao khác để thể thao tiếp tục giữ vững vai trò cầu nối giữa Việt Nam và thế giới.

A.T
 

Ảnh trong bài
  • Thể thao luôn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới