Tại buổi làm việc với UBND thành phố Hải Phòng, sau khi nghe lãnh đạo Thành phố và Sở VH,TT&DL báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn, các đề xuất, kiến nghị của Thành phố đối với Bộ VH,TT&DL; ý kiến tham mưu của đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã hoan nghênh và đánh giá cao lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố Hải Phòng trong việc khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương năm 2009. Thành phố Hải Phòng là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2009 của Bộ.
Để hoạt động VH,TT&DL của Thành phố tạo ra được sự chuyển biến mới trong thời gian tới, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị thành phố Hải Phòng cần quan tâm hơn nữa trong việc giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về du lịch, văn hóa và thể thao địa phương ra khu vực và trên quốc tế.
Đối với lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng đề nghị thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa, quản lý di tích, tiền công đức và lễ hội. Việc xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần chú trọng đi vào chất lượng, tránh chạy theo thành tích. Về những đề nghị của thành phố Hải Phòng, Bộ VH,TT&DL ủng hộ Thành phố đăng cai tổ chức một số hoạt động VH,TT&DL: Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Đồng bằng sông Hồng lần thứ 3 năm 2012; Năm Du lịch quốc gia năm 2012; Đồng thời TP Hải Phòng nghiên cứu, xem xét khả năng đăng cai tổ chức Hội khỏe Phù Đổng năm 2016 tại địa phương.
Với lĩnh vực bảo tồn di tích, Thành phố cần cân đối ngân sách hỗ trợ tu bổ, tôn tạo một số dự án, công trình trọng điểm, đồng thời chú trọng kêu gọi nguồn vốn từ xã hội hóa. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia cho một số dự án trọng điểm của Thành phố; tiếp tục tăng cường công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp Thành phố.
Về lĩnh vực TDTT, đề nghị Thành phố lập dự án Khu Liên hợp Đua thuyền tại sông Giá (Thủy Nguyên); dự án thành lập Học viện Bóng đá khu vực phía Bắc tại Hải Phòng; dự án đầu tư mở rộng Khu Liên hợp Thể thao Thành phố, đáp ứng yêu cầu là một trong những Trung tâm Thể thao mạnh của cả nước; dự án đầu tư xây dựng Khu Thể thao biển tại Vạn Ngang - Đồ Sơn, trình Bộ VH,TT&DL xem xét.
Bộ trưởng giao Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở VH,TT&DL Hải Phòng nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức hội thảo về du lịch biển, đảo tại Đồ Sơn và Cát Bà, qua đó xây dựng Đề án đầu tư nâng tầm Khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà thành các Trung tâm du lịch trọng điểm tầm cỡ quốc gia và quốc tế gắn với khu du lịch Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Quan tâm và có kế hoạch đầu tư cụ thể đối với hệ thông giao thông đường thủy, có liên quan trực tiếp tới công tác phát triển du lịch thành phố, như: Xây dựng bến tàu khách quốc tế tại Cảng Hoàng Diệu; cải tạo và nâng cấp các bến tàu khách Cát Bà, Gia Luận, Bến Bèo; xây mới cảng khách nội địa tại Cảng Cửa Cấm.
Về việc Thành phố đề nghị Bộ hỗ trợ kinh phí xây dựng ki-ốt thông tin du lịch tại khu vực nội thành Thành phố, khu du lịch Cát Bà và Đồ Sơn, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hải Phòng nghiên cứu theo hướng kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp trên cơ sở được hỗ trợ về địa điểm.
Bộ trưởng cũng ủng hộ phát triển cơ sở lưu trú cộng đồng của Hải Phòng theo hướng xã hội hóa đầu tư. Quá trình triển khai xây dựng, Thành phố cần học tập kinh nghiệm các địa phương đã làm tốt việc này (An Giang, Tiền Giang, Lào Cai). Ủng hộ cao việc đưa một số sự kiện thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch quốc gia, quốc tế về tổ chức tại thành phố Hải Phòng, từng bước tạo đà cho việc phát triển thành phố Hải Phòng trở thành một thành phố sự kiện tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đồng thời giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nghiên cứu, đề xuất việc nâng cấp Lễ hội Chọi trâu thành Lễ hội cấp quốc gia.
Đề nghị thành phố Hải Phòng lựa chọn theo thứ tự ưu tiên, lập dự án chi tiết theo quy định về quản lý các đề án sử dụng vốn đầu tư phát triển hiện hành.
HKiên