Bộ VH,TT&DL tích cực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ

Tuần lễ quốc gia lần thứ 12 được phát động trên phạm vi cả nước từ ngày 14 - 21/3. Lễ phát động Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - PCCN lần thứ 12 được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên. Chủ đề phát động của Tuần lễ quốc gia lần thứ 12 là "An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc - một trong những quyền cơ bản của người lao động.

Đảm bảo ATVSLĐ là trách nhiệm của toàn xã hội và tất cả các thành viên trong xã hội phải đóng góp cho công tác ATVSLĐ. Để góp phần làm giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ, bảo vệ người lao động và phát triển kinh tế bền vững, chúng ta cần chú trọng công tác tuyên truyền ATVSLĐ -PCCN trong suốt cả năm nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - PCCN lần thứ 12 được bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí, tránh hình thức, hướng đến các đơn vị, người lao động, Bộ VH,TT&DL đã ban hành công văn số 4481/BVHTTDL-VP về việc tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 12 năm 2010 gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ.

Theo đó, Bộ VH,TT&DL yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tùy theo tình hình đặc điểm của cơ quan, đơn vị có thể lựa chọn chủ đề riêng và tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp. Tuy nhiên, cần đảm bảo các nội dung sau:

Xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức Tuần lễ quốc gia lần thứ 12 với phương châm chủ động, cải tiến và đổi mới các hoạt động của Tuần lễ; Lồng ghép với các hoạt động thực hiện mục tiêu của chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; Xây dựng chương trình hành động ATVSLĐ - PCCN cụ thể năm 2010 của đơn vị.

Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia; tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ - PCCN; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp, cơ sở thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ - PCCN nhằm giảm tới mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động, cháy nổ xảy ra, đặc biệt trong thời gian diễn ra Tuần lễ quốc gia.

Tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Tuần lễ quốc gia và công tác ATVSLĐ - PCCN. Tăng cường cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ - PCCN cho đơn vị đặc biệt là các đơn vị là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc thực hiện các chính sách, quy định về ATVSLĐ - PCCN.

Chỉ đạo và tổ chức ký cam kết thực hiện các mục tiêu cải thiện điều kiện lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong đơn vị.

Tích cực phát hiện, đề xuất các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong công tác ATVSLĐ - PCCN để biểu dương, khen thưởng trong dịp tổ chức Tuần lễ quốc gia và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, Liên đoàn xiếc, các đoàn nghệ thuật, các hãng phim, các trung tâm huấn luyện TDTT, các trường... xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia và chương trình hành động ATVSLĐ - PCCN năm 2010 của doanh nghiệp, đơn vị tập trung vào các hoạt động cụ thể, thiết thực như cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tuyên truyền huấn luyện nâng cao nhận thức ATVSLĐ - PCCN cho người lao động; tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN.

Đặc biệt, Bộ VH,TT&DL yêu cầu các đơn vị tăng cường, công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại chỗ làm việc, sân bãi, phòng tập; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cán bộ nhân viên của đơn vị mình chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ - PCCN.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền phổ biến rộng rãi, tăng cường hiệu quả của Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ -PCCN.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2009 cả nước đã xảy ra 6.250 vụ tai nạn lao động, trong đó có 507 vụ tai nạn lao động chết người (tăng 7,09% so với năm 2008); tổng số người bị nạn là 6.421 người (tăng 6,18%), trong đó có 550 người chết (giảm 4,01%), 1.221 người bị thương nặng (tăng 8,82%). Thiệt hại về vật chất là: 39,388 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động lên đến 457.817 ngày. Nơi xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người tập trung chủ yếu ở một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương... Các lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là: Xây lắp, Khai thác khoáng sản, Sản xuất vật liệu xây dựng, Cơ khí chế tạo.

Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã thống kê: trong năm 2009, cả nước đã xảy ra 1.948 vụ cháy, trong đó 1.677 vụ cháy các cơ sở, nhà dân,... và 271 vụ cháy rừng. Cháy đã làm chết 62 người, bị thương 145 người khác, thiệt hại về tài sản ước tính 500 tỷ đồng và 1.373 hecta rừng. Ngoài ra, còn xảy ra 18 vụ nổ, làm chết 16 người, bị thương 42 người. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do ý thức con người như sơ suất trong sinh hoạt sử dụng thiết bị điện và vi phạm qui định về phòng cháy chữa cháy.

Việt Dũng

Ảnh trong bài
  • Bộ VH,TT&DL tích cực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ