Trái tim tâm huyết với sự nghiệp TDTT đã ngừng đập

Nhắc đến những người đã đặt nền móng cho sự phát triển của Võ thuật cổ truyền Việt Nam hiện nay, không thể không nhắc đến cái tên Mai Văn Muôn. Đã hơn 20 năm, ông miệt mài nghiên cứu võ cổ truyền dân tộc và đã có nhiều công trình khoa học được công bố. Không chỉ gắn bó với võ cổ truyền, cái tên của ông còn được nhắc đến nhiều trong sự phát triển của sự nghiệp TDTT nước nhà với các vị trí công tác như: PCN Uỷ ban TDTT, nay là Bộ VH,TT&DL, PCT kiêm TTK Uỷ ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ III, Phó Chủ tịch Hội Thể thao Đại học và chuyên nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam...

Cả cuộc đời ông trăn trở với việc phát triển sự nghiệp TDTT nước nhà
(Ảnh: Q.Thắng)
Sinh ngày 25/8/1939 tại Cần Thơ trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, ông đã được chọn cử đi học tại Trường học sinh Miền Nam trên đất Bắc. Sau đó, từ năm 1961 - 1965, ông được cử đi học tại Học viện TDTT Bắc Kinh (Trung Quốc) rồi về nước tham gia giảng dạy tại trường Cán bộ TDTT trung ương (ĐH TDTT Bắc Ninh hiện nay). Từ năm 1967 đến 1971, ông được cử đi thực tập tại Tiệp Khắc (cũ). Năm 1974, ông được cử vào công tác tại Trung ương cục miền Nam, tham gia kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong những năm 1976 - 1981, ông giữ chức Hiệu trưởng trường Trung học TDTT TP HCM (nay là Trường ĐH TDTT TP HCM). Năm 1981, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng và đến năm 1998, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT.

Ông sinh ra dường như là để gắn bó với sự nghiệp TDTT. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, xã hội, dù công tác trên nhiều cương vị và lĩnh vực khác nhau, nhưng ông cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đã từng được nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với ông, tôi luôn nhận thấy nhiệt huyết cháy bỏng của ông với việc phát triển sự nghiệp TDTT nước nhà. Với ông, chuyện buồn nhất trong sự nghiệp của mình chính là giai đoạn ông giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá. Vui với việc lần đầu tiên Bóng đá Việt Nam có được những thành tích vang dội ở đấu trường khu vực, dù không giành được HCV ở Tiger Cup 98. Nhưng ông cũng buồn với những toan tính, những uẩn khúc, những vướng mắc của cơ chế đã làm hạn chế nhiều sự phát triển của Bóng đá Việt Nam.

Dù là trên cương vị quản lý hay khi đã nghỉ công tác, ông luôn trăn trở với việc bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của dân tộc. Rời nhiệm sở, ông tiếp tục thực hiện tâm nguyện của mình. Ông tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại Bộ môn Giáo dục thể chất, phụ trách đào tạo cử nhân chuyên ngành võ học của Trường Đại học dân lập Hồng Bàng. Những biến động của lịch sử và xã hội đã khiến nền võ học Việt Nam cũng như các trò chơi dân gian của dân tộc bị mai một, thất truyền. Hơn ai hết, ông nhận thấy những việc có một phạm vi hoạt động rộng, mang sắc thái riêng theo vùng, miền đã khiến Võ cổ truyền Việt Nam phân tán, thiếu sự hợp nhất. Chính vì vậy, cần phải xây dựng được luật thi đấu, thống nhất bài bản, đề ra mục tiêu, phương hướng hoạt động rõ ràng để làm nền tảng cho sự phát triển của Võ cổ truyền, qua đó bảo tồn những giá trị tốt đẹp của dân tộc, từng bước đưa tinh hoa võ học Việt Nam phổ biến trên thế giới. Ông cũng mong muốn và ấp ủ xây dựng đề án đưa Võ cổ truyền và các trò chơi dân gian vào trường học. Không chỉ nhằm giúp tăng cường thể lực cho các thế hệ người dân Việt Nam mà thông qua những quy định khắt khe của người học võ sẽ giúp giới trẻ sống có bản lĩnh, ngăn chặn những tiêu cực của xã hội đang có xu hướng ngày càng phát triển. Chính từ những ấp ủ đó của mình mà ông đã nghiên cứu và bảo vệ thành công luận văn Phó Tiến sỹ năm 1995 về đề tài bảo tồn và phát huy Võ thuật cổ truyền và trò chơi dân gian và đến năm 1998, ông được phong hàm Phó Giáo sư.

Trái tim tâm huyết với sự nghiệp TDTT nước nhà đã ngừng đập. Những gì ông đã làm được sẽ là nền tảng cho sự phát triển sự nghiệp TDTT nói chung cũng như Võ thuật cổ truyền và các trò chơi dân gian nói riêng. Những mong ước, tâm nguyện của ông sẽ tiếp tục được những thế hệ cán bộ của ngành TDTT tiếp tục phát huy, thực hiện, góp phần đưa nền thể thao nước nhà tiến bước tới những thành công mới.

T.Dương

Ảnh trong bài
  • Trái tim tâm huyết với sự nghiệp TDTT đã ngừng đập