Cần xây dựng lộ trình phát triển TDTT quần chúng một cách phù hợp

Chiều ngày 25/2, tại Tổng cục TDTT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn cùng tập thể lãnh đạo, các trưởng phòng của Vụ TDTT quần chúng đã có buổi gặp mặt các cán bộ nguyên Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng qua các thời kỳ, gồm các đồng chí: Đoàn Thao, Lê Bửu, Trần Duy Ly, Lương Kim Chung và đồng chí Trương Quang Trung. Đây đều là những cán bộ lãnh đạo có trình độ, nhiều kinh nghiệm và đặc biệt tâm huyết với sự nghiệp TDTT nước nhà.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn cùng các đồng chí nguyên Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng và tập thể Vụ TDTT quần chúng chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở Tổng cục TDTT (Ảnh: Minh Đăng)
Trong những năm qua, phong trào TDTT quần chúng trên cả nước không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Điều đó được khẳng định qua số lượng người tham gia tập luyện TDTT ngày càng đông và đặc biệt là nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, từ tự phát chuyển sang tự giác. Tuy nhiên, thực tế phong trào TDTT quần chúng vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là những bất cập trong công tác giáo dục thể chất và phong trào TDTT học đường - một trong những nội dung quan trọng của công tác phát triển sự nghiệp TDTT.

Trước thực tế đó, chiều ngày 25/2, tại Tổng cục TDTT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn cùng tập thể lãnh đạo, các trưởng phòng của Vụ TDTT quần chúng đã có buổi gặp mặt các cán bộ nguyên Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng qua các thời kỳ, gồm các đồng chí: Đoàn Thao, Lê Bửu, Trần Duy Ly, Lương Kim Chung và đồng chí Trương Quang Trung. Đây đều là những cán bộ lãnh đạo có trình độ, nhiều kinh nghiệm và đặc biệt tâm huyết với sự nghiệp TDTT nước nhà. Cùng tham dự buổi gặp mặt còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị, Liên đoàn thể thao...

Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí trang trọng, ấm cúng, thân tình, không chỉ thể hiện sự quan tâm, chân trọng của lãnh đạo Tổng cục TDTT đối với các thế hệ đi trước chung, các đồng chí nguyên là Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng nói riêng mà còn là cơ hội quý báu để các cán bộ đương chức và các cán bộ từng giữ vị trí chủ trốt của Vụ, nay đã nghỉ hưu được cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai các nhiệm vụ, các hoạt động tác nghiệp về công tác TDTT quần chúng theo đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đặc biệt, nội dung chính của buổi gặp mặt tập trung vào việc lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên Vụ trưởng TDTT quần chúng cho chiến lược phát triển sự nghiệp TDTT quần chúng. Qua đó, nhằm tạo bước đột phá mới trong công tác TDTT quần chúng giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Các đồng chí nguyên Vụ trưởng và Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT (Ảnh: Minh Đăng)
Sau khi nghe đồng chí Lê Anh Thơ - Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng báo cáo về những thành tựu cùng những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân cùng những giải pháp cho sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng, đa số các ý kiến đóng góp đều chung  quan điểm đó là: cần có sự đồng lòng, góp sức của tất cả các Bộ, ban ngành (có liên quan) từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, vấn đề then chốt là Vụ TDTT quần chúng cần có sự đổi mới về tư duy để có một lộ trình phù hợp, sát với thực tế. Cụ thể, Vụ TDTT quần chúng cần tập trung vào một số vấn đề chính như: tập trung vào công tác quản lý nhà nước như xây dựng các quy chế hoạt động, quy chế quản lý; giảm tải việc tổ chức các giải thi đấu (hiện nay, hệ thống giải thể thao quần chúng khoảng trên 300 giải/1 năm)...

Trước những ý kiến đóng góp xác đáng của các đồng chí nguyên Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn đã chân thành cảm ơn, ghi nhận và mong muốn sẽ thường xuyên, tiếp tục nhận được những ý kiến của các đồng chí. Cũng từ đây, hy vọng TDTT quần chúng sẽ có được lộ trình phát triển phù hợp và hiệu quả, để góp phần xây dựng nước Việt Nam "dân cường, nước thịnh" như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.

Đồng chí Đoàn Thao - nguyên Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng đầu tiên đã phát biểu: Trước hết phải khẳng định phong trào TDTT quần chúng hôm nay đã có những bước phát triển, từng bước thay da đổi thịt so với những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng không đồng đều về lứa tuổi (tập trung chủ yếu ở Người cao tuổi, trong khi công tác giáo dục thể chất trong trường học - đối tượng quan trọng nhất lại không được chú trọng), vùng miền... do đó Vụ TDTT quần chúng cần phải xem xét kỹ lưỡng các chỉ số về TDTT quần chúng, đưa ra các tiêu chí rõ ràng để có số liệu xát thực, từ đó có thể đưa ra những giải pháp đúng đắn.

Tán đồng ý kiến trên, đồng chí Lương Kim Chung cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác TDTT quần chúng hiện nay như: việc xây dựng thiết chế TDTT chưa rõ ràng, chưa đầy đủ (đây là yếu tố nền tảng, là động lực để duy trì TDTT quần chúng phát triển); việc triển khai Đề án phát triển TDTT xã, phường, trị trấn theo quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ chưa sát với thực tiễn; hệ thống thi đấu của TDTT quần chúng quá nặng nề... Đồng chí cũng đưa ra một số giải pháp như: Vụ TDTT quần chúng cần tập trung nghiên cức xây dựng thí điểm thiết chế TDTT (hệ thống cơ sở vật chất, xây dựng nguồn nhân lực, chương trình, kế hoạch hoạt động...), đa dạng hóa các nội dung, các môn thể thao dân tộc, thể thao hiện đại tùy thuộc vào tình hình thực tiễn của địa phương Vụ TDTT chỉ quản lý về mặt Luật; hoàn chỉnh lại hệ thống thi đấu TDTT quần chúng theo hướng chuyển dần từ công lập sang dịch vụ theo mô hình xã hội hóa...; đặc biệt, công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học cần kiến nghị Ban bí thư ban hành một Chỉ thị riêng nhằm đảm bảo cho giáo dục thể chất phát triển ổn định và hiệu quả...

HKT (ghi)

Kim Tuyến

Ảnh trong bài
  • Cần xây dựng lộ trình phát triển TDTT quần chúng một cách phù hợp