Đấu kiếm Việt Nam: cần có hoạch định rõ ràng trong công tác huấn luyện và thi đấu quốc tế

Đó là ý kiến chỉ đạo chính của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng tại cuộc họp bảo vệ kế hoạch năm 2010 của Bộ môn Đấu kiếm. Buổi họp diễn ra vào sáng 29/1, tại Tổng cục TDTT với sự tham dự của lãnh đạo Vụ Thể thao thành tích cao, Vụ Tài chính, Văn phòng...

Đấu kiếm là môn thể thao Olympic được phát triển trở lại Việt Nam từ đầu năm 2001. Tuy còn khá mới mẻ, song Đấu kiếm đã khẳng định được vị trí của mình trong làng thể thao nước nhà bằng việc giành nhiều HCV tại các giải khu vực, các kỳ SEA Games và Châu lục. Hiện nay, trình độ VĐV Đấu kiếm Việt Nam được xếp vào vị trí thứ 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, hạng 6 khu vực và hạng 10 châu lục. Trong năm 2009, do không có trong chương trình thi đấu tại AI Games 3, SEA Games 25, nên thành tích của Đấu kiếm còn khiêm tốn (giành hạng 6/16 đồng đội nữ kiếm ba cạnh tại giải Vô địch Châu Á, tổ chức từ 12 - 19/11, tại Qatar).

Theo báo cáo của ông Phùng Lê Quang - Trưởng Bộ môn Đấu kiếm: hiện tại, Đấu kiếm là môn thể thao chỉ có ở 6 địa phương là: Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Tp Hồ Chí Minh và Bình Phước. Hệ thống cơ sở vật chất, kinh phí dành cho Đấu kiếm còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là trang thiết bị, dụng cụ thi đấu đủ tiêu chuẩn quốc tế cho các VĐV đội tuyển và dụng cụ phục vụ tập luyện và tổ chức thi đấu thiếu nghiêm trọng (chỉ duy nhất Hà Nội có đủ cơ sở vật chất: đường đấu kiếm, đèn báo điểm điện tử, cáp điện sàn đấu... đảm bảo cho các VĐV tập luyện và thi đấu). Bên cạnh đó, lực lượng VĐV đang trong giai đoạn thoái trào (số lượng VĐV hiện có 300 - 400). Hơn nữa, Đấu kiếm lại là môn chưa được nhìn nhận là môn trọng điểm nên chưa có sự đầu tư nhiều...

Toàn cảnh buổi họp (Ảnh: MĐăng)
Trước thực trạng đó, Bộ môn đã xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2010 đó là: hoàn thiện hệ thống đào tạo VĐV ở đội tuyển và các địa phương phát triển Đấu kiếm nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; xây dựng lực lượng VĐV ưu tú để tập huấn trong thành phần đội dự tuyển quốc gia chuẩn bị tham dự các giải vô địch và giải trẻ Châu Á, Đại hội Olympic trẻ thế giới; nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ HLV, Trọng tài và cán bộ điều hành.

Để tạo điều kiện cho các VĐV Đấu kiếm được thi đấu, cọ xát nâng cao trình độ, Bộ môn đã lên kế hoạch chi tiết để đội tuyển quốc gia thi đấu 7 giải: Vô địch trẻ Châu Á (tại Philippine, từ 5 - 14/3), giải Vô địch và trẻ Đông Nam Á (Thái Lan, Tháng 3,4), giải Vô địch trẻ thế giới (Azerbaizan, từ 4 -12/4), giải Vô địch Châu Á (Hàn Quốc, từ 7 - 13/7), Đại hội Olympic trẻ (Singapore, từ 14 - 18/8), Vô địch thế giới (Pháp, từ 4 - 13/11) và Asiad 16 (Trung Quốc, Tháng 11). Ngoài ra, Bộ môn cũng lên kế hoạch cử VĐV tham dự các lớp tập huấn tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh; tổ chức các giải đấu: Đại hội TDTT toàn quốc và giải Vô địch trẻ toàn quốc...

Với những bước chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhưng do còn hạn chế trong công tác huấn luyện và thi đấu quốc tế nên Đấu kiếm Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng vốn có của mình. Trong năm 2010, ngoài việc cần phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ những khó khăn, tìm ra những giải pháp thích hợp cho sự phát triển môn thể thao này và đặc biệt nếu được sự tạo điều kiện hơn nữa của lãnh đạo Tổng cục TDTT, chắc chắn Đấu kiếm Việt Nam sẽ có những bước đột phá mới.

Theo Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng, năm 2010 - Thể thao Việt Nam hướng đến mục tiêu chính là Asiad, do vậy cũng như các môn thể thao khác, Đấu kiếm cần tập trung xây dựng kế hoạch với chương trình, mục tiêu cụ thể, đặc biệt là chuẩn bị lực lượng VĐV xuất sắc nhất để giành thành tích cao tại sân chơi này. Bên cạnh đó, Bộ môn cần xúc tiến thành lập Liên đoàn để có sự thống nhất trong chỉ tiêu, phương hướng hoạt động và công tác đào tạo lực lượng VĐV, HLV,...

 HKT


Ảnh trong bài
  • Đấu kiếm Việt Nam: cần có hoạch định rõ ràng trong công tác huấn luyện và thi đấu quốc tế