Phụ nữ trong công tác TDTT.

Cùng với sự đi lên của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, TDTT đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong đó, phụ nữ đóng một vai trò, vị trí vô cùng quan trọng. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), nhóm phóng viên trang tin điện tử đã có buổi trao đổi cùng với bà Lê Hồng Diệp Chi, Phó Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng xung quanh vấn đề phụ nữ trong công tác TDTT.

Cùng với sự đi lên của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, TDTT đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong đó, phụ nữ đóng một vai trò, vị trí vô cùng quan trọng. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), nhóm phóng viên trang tin điện tử đã có buổi trao đổi cùng với bà Lê Hồng Diệp Chi, Phó Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng xung quanh vấn đề phụ nữ trong công tác TDTT.

* Xin bà cho biết đánh giá của mình về những đóng góp của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển TDTT của nước nhà?

- Trong thành phần đội tuyển tham gia các giải đấu lớn như SEA Games, PARA Games... thường chiếm tới 30 - 35% VĐV và HLV là nữ và giành thành tích cao tới 60 - 65% huy chương. Điều đó chứng tỏ tiềm năng thể thao trong phụ nữ là rất cao. Trong công tác quản lý nhà nước, được sự quan tâm của lãnh đạo Uỷ ban TDTT, thời gian vừa qua một số cán bộ nữ đã trưởng thành và được bổ nhiệm cấp vụ, cấp phòng, một số trưởng bộ môn. Tuy nhiên, cán bộ nữ ngành TDTT vẫn còn ít. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát năm 2001 - 2002, chỉ có 15 phụ nữ chính thức là VĐV về công tác trong ngành. Mà trong thực tế, ngành TDTT rất cần những VĐV trưởng thành sau đó đi học và làm việc, tiếp tục cống hiến cho ngành TDTT.

* Dưới góc độ người quản lý nhà nước, xin bà cho biết những khó khăn của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển TDTT?

- Thực tế đã chứng minh, phụ nữ tham gia công tác TDTT là rất khó khăn. Giai đoạn tập luyện thể thao để đạt đến đỉnh cao là thời điểm tươi đẹp nhất của người phụ nữ vậy mà họ đã cống hiến cho sự nghiệp TDTT nước nhà. Không những họ phải tập luyện, thi đấu xa nhà. Mà khi lập gia đình, xã hội vẫn còn tồn tại đôi chút những cái nhìn thiếu thiện cảm (phụ nữ thể thao không nữ tính, nội trợ không tốt, học hành không giỏi giang...). Nhưng thực tế chứng minh, rất nhiều gương mặt đạt thành tích thể thao cao nhưng khi trở về với đời thường họ vẫn rất đảm đang, thực hiện thiên chức làm vợ làm mẹ, nuôi con giỏi dạy con ngoan, điển hình là các gương mặt: Thuý Hiền, VĐV Thắm, Ngân Hà, Trần Hiếu Ngân...

* Xin bà cho biết Vụ TDTT Quần chúng có những định hướng phát triển TDTT trong phụ nữ như thế nào?

- Theo tôi, đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao trong phụ nữ là một hướng đúng và đang được các cấp các ngành quan tâm thực hiện. Tại Hội thảo đổi mới phương thức hoạt động của chương trình phối hợp giữa Uỷ ban và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thống nhất: duy trì hoạt động thường xuyên, BTC sẽ cố gắng mở rộng giải này hơn nữa bằng cách mời phụ nữ ở Đại sứ quán các nước cùng tham gia, tiếp tục phát triển những môn thể thao khác phù hợp với phụ nữ như: Cầu lông, Bóng bàn, Kéo co... Theo tôi được biết các phụ nữ tại các đại sứ quán cũng rất muốn được tham gia nhân kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Chương trình ký kết này cần đưa lên một bước mới tức là các ngành cùng phối hợp, quan tâm, đầu tư cho công tác thể thao đối với phụ nữ mà không chỉ riêng ngành TDTT đầu tư kinh phí như hiện nay.

Các VĐV nữ rất cần chính sách ưu tiên riêng, đặc biệt khi tập luyện đã hết thành tích, tuổi tác và việc học hành không thuận lợi để quay trở về cuộc sống đời thường. Do vậy nếu "đầu ra" của VĐV được đảm bảo, họ sẽ an tâm cống hiến hết mình cho nền thể thao nước nhà. Hiện nay, Ủy ban TDTT đã mở lớp đại học tại chức ngay tại TTHLTTQG I. Theo tôi, đó là một hướng rất tốt cần phát huy để chị em vừa tập huấn vừa học tập.

* Xin cảm ơn bà!
 

HX
 

Ảnh trong bài
  • Phụ nữ trong công tác TDTT.