
Cục trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt đặt ra các yêu cầu về công tác chuẩn bị lực lượng cho các bộ môn
Tính tới thời điểm này, thời gian đến khi diễn ra Đại hội Thể thao trẻ châu Á và Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực ĐNÁ – SEA Games 33 không còn nhiều, chính vì vậy, việc hoàn thành Kế hoạch tham dự các sự kiện thể thao nói trên đang được gấp rút triển khai. Trong đó, việc sớm có danh sách cụ thể về thành phần, tổng số lượng môn/phân môn, nội dung tranh tài, lực lượng VĐV, HLV…. tham dự các sự kiện trên là yêu cầu được lãnh đạo Cục TDTT Việt Nam đặt ra với các phòng chuyên môn và các đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của ông Hoàng Quốc Vinh- Trưởng phòng Thể thao thành tích cao, công tác chuẩn bị cho từng sự kiện đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Theo đó, về Đại hội Thể thao trẻ châu Á: Diễn ra từ 19 – 31/10/2025, dự kiến đoàn Thể thao Việt Nam có 116 người tham dự bao gồm cán bộ, HLV, VĐV... dự kiến tranh tài 12/24 môn và phân môn.
Với SEA Games 33 diễn ra từ 9 – 31/12, đoàn Thể thao Việt Nam dự kiến tham gia với 971 thành viên, trong đó có 158 người đi bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, tranh tài ở 30 môn/phân môn của Đại hội.

Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh tại buổi làm việc
Để tối ưu hóa công tác huấn luyện, từ đó hướng đến mục tiêu cao nhất tại Đại hội, các môn thi đấu đã được phân chia thành hai nhóm chính, trong đó:
Nhóm 1: gồm các môn có thế mạnh truyền thống và là mũi nhọn cạnh tranh HCV như: Điền kinh, Bóng đá, Bơi, Bắn súng, Vật, Taekwondo, Karate, Cử tạ, Đấu kiếm, Canoeing và Đua thuyền truyền thống, Thể dục dụng cụ, Boxing, Judo, Jujitsu, Bi sắt, Wushu, Muay, Rowing, Xe đạp, Cờ vua, Bắn cung, Pencak Silat, Bóng bàn, Thể dục Aerobic, Ba môn phối hợp, Bóng chuyền trong nhà, Golf, Bóng ném, Bóng rổ 3x3 và Cầu mây.
Nhóm 2: gồm các môn có khả năng giành huy chương (HCB hoặc HCĐ) như: Quần vợt, Bóng rổ 5x5, Nhảy cầu, Thể dục nghệ thuật, Cầu lông, Bóng chuyền bãi biển, Sailing, Bowling, Roller.
Còn lại là các môn thể thao xã hội hóa: Billiards, Trượt băng nghệ thuật, Thể thao điện tử, Bóng chày và bóng mềm, Võ thuật tổng hợp.

Ông Hoàng Quốc Vinh- Trưởng phòng Thể thao thành tích cao báo cáo trước lãnh đạo Cục TDTT Việt Nam
Song song với việc phân nhóm, công tác tập huấn nâng cao trình độ cho VĐV cũng được đẩy mạnh cả trong và ngoài nước. Các đội tuyển thể thao trọng điểm được đầu tư mạnh mẽ về chuyên môn, hậu cần, dinh dưỡng, trang thiết bị tập luyện, chăm sóc y tế và phục hồi chấn thương...
Cũng theo ông Hoàng Quốc Vinh: Hiện tất cả các môn thể thao đều đã, đang và tiếp tục hoàn tất kế hoạch thi đấu, tập huấn, nhằm chuẩn bị lực lượng VĐV tốt nhất cho các sự kiện thể thao quốc tế trên.
Cũng tại buổi làm việc, Trưởng phòng Thể thao cho mọi người - ông Nguyễn Ngọc Anh đã báo cáo về công tác chuẩn bị của 2 môn thuộc sự quản lý của phòng tham gia SEA Games 33 đó là: Thể thao điện tử (E-Sport) và Leo núi. Ngoài ra, môn Kéo co là môn tham gia nội dung biểu diễn. Trong đó, Thể thao điện tử dự kiến tham gia 6 nội dung với 38 VĐV. Trong khi đó, ở môn Leo núi, đã nhận được thông tin đăng ký của Thành phố Hồ Chí Minh góp mặt 1 HLV, 5 VĐV. Cả 2 môn này đều sẽ đi theo nguồn kinh phí xã hội hóa. Hiện, phòng đã hoàn thiện thủ tục cho các đội.

Trưởng phòng Thể thao cho mọi người Nguyễn Ngọc Anh báo cáo về môn tham dự SEA Games 33 do phòng phụ trách
Sau khi nắm bắt tình hình cụ thể của các phòng chuyên môn, Cục trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt đã chỉ đạo: Các phòng chuyên môn, các bộ môn cần tập trung cao nhất cho việc rà soát lực lượng. Quá trình thực hiện phải sát sao, cẩn trọng, đúng với thực lực hiện có của từng môn, tránh chạy theo thành tích…
Cục trưởng đặc biệt lưu ý: Các phòng chuyên môn cần có sự sàng lọc, rà soát lực lượng theo danh sách cụ thể: đâu là lực lượng tinh nhuệ tranh chấp huy chương; đâu là lực lượng trẻ thực sự tiềm năng để đầu tư cho kế hoạch lâu dài.
Hướng tới hoàn thành tốt hai nhiệm vụ tại các sự kiện thể thao trên, Cục trưởng chỉ đạo: Đoàn Thể thao Việt Nam phải là lực lượng tinh nhuệ từ cán bộ đoàn cho tới VĐV, HLV… Một người làm được nhiều việc, hỗ trợ các bên để đảm bảo các Đại hội thành công như mục tiêu ngành đã đề ra…
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh: việc thành lập hai Đoàn Thể thao tham dự hai Đại hội đảm bảo đúng như cơ cấu đã được phê duyệt. Trước mắt, cần khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội Thể thao trẻ châu Á. Các phòng cần rà soát cụ thể từng môn đi theo nguồn kinh phí nào?.
Về công tác chuyên môn, Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh một lần nữa nhấn mạnh: các phòng chuyên môn và các bộ môn cần rà soát lại lực lượng, chỉ tiêu thành tích cụ thể. Lực lượng nòng cốt tranh chấp huy chương, lực lượng trẻ cho mục tiêu tương lai. Với lực lượng đi theo nguồn xã hội hóa, đặc biệt là các môn tập thể số lượng đông, chỉ tiêu thành tích chưa rõ ràng, cần phải lưu ý trong khâu quản lý khi nhập đoàn…
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện Ủy ban Olympic Việt Nam đã báo cáo với lãnh đạo Cục về tình hình triển khai các đầu việc như: xác nhận đăng ký tham dự của các môn/phân môn; công tác làm thẻ tham dự hai Đại hội trên…
Tại kỳ SEA Games 33, đoàn Thể thao Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn khi Đại hội được tổ chức tại Thái Lan – đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong khu vực của Thể thao Việt Nam. Cùng với đó, các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines cũng là những đối thủ mạnh, có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng và điều kiện tập luyện.

Toàn cảnh buổi làm việc
Bên cạnh đó, khó khăn nội tại là nhiều môn thế mạnh của Việt Nam như Vovinam và Khiêu vũ thể thao không có trong chương trình thi đấu chính thức của Đại hội. Ngoài ra, nhiều nội dung của các môn như: Judo, Bắn súng, Boxing, Wushu (tán thủ), Taekwondo, Thể dục Aerobic, Billiards, Muay, Pencak Silat… cũng bị cắt giảm hoặc hạn chế số lượng VĐV tham gia. Điều này sẽ gây khó khăn đáng kể trong việc đạt chỉ tiêu huy chương đặt ra.
Với những nỗ lực không ngừng, sự đầu tư kỹ lưỡng, đồng bộ và bài bản, Thể thao Việt Nam sẽ bước vào kỳ Đại hội lớn nhất khu vực với tâm thế tự tin cùng khát vọng chiến thắng.
Phương Minh, ảnh: V. Duy