Bộ VH,TT&DL ban hành quy chuẩn Trung tâm Văn hoá, Thể thao xã

Quy chuẩn này sẽ là căn cứ để xây dựng; kiểm tra, đánh giá và công nhận Trung tâm Văn hoá, Thể thao xã đạt quy chuẩn. Quy chuẩn cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở của cả nước. Quyết định số 2448/2009/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL.

Quy chuẩn Trung tâm Văn hoá, Thể thao xã được đánh giá qua 2 mặt: cơ sở vật chất trang thiết bị và tổ chức, quản lý hoạt động. Các tiêu chí cụ thể đều được quy chuẩn cho từng vùng (đồng bằng và miền núi) để đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, địa lý thực tế.

Về quy chuẩn cơ sở vật chất trang thiết bị có 3 tiêu chí (diện tích đất được sử dụng, quy mô xây dựng và trang thiết bị). Diện tích đất được sử dụng cho sân thể thao phổ thông gồm: Sân Bóng đá, ở hai đầu sân Bóng đá có thể bố trí sân Bóng chuyền, sân Nhảy cao, Nhảy xa, sân Đẩy tạ và một số môn thể thao dân tộc của địa phương. Đối với khu vực đồng bằng diện tích này phải đảm bảo 1.000m2 (90m x 120m), còn khu vực miền núi là 800m2 (45m x 90m).

Quy mô xây dựng phải đảm bảo các yếu tố: Hội trường văn hoá đa năng phải có 150 chỗ ngồi đối với khu vực đồng bằng và 100 chỗ ngồi của khu vực miền núi; 5 phòng chức năng nhà văn hoá đa năng (hành chính; thông tin; đọc sách, báo; truyền thanh; câu lạc bộ), khu vực miền núi chỉ cần 2 phòng trở lên. Phòng Tập thể thao đơn giản sử dụng để huấn luyện, giảng dạy và tổ chức thi đấu thể thao phải đảm bảo diện tích 38m x 18m (miền núi - 23m x 11m). Phải có đủ công trình phụ trong Trung tâm Văn hoá, Thể thao (nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa) và đảm bảo 70% khi là các xã thuộc miền núi.

Trang thiết bị Nhà Văn hoá phải có đủ: Bàn, ghế, giá, tủ, trang bị âm thanh, ánh sáng, thông gió, đài truyền thanh. Dụng cụ thể thao phù hợp với phong trào thể thao quần chúng ở xã. Về tiêu chí này, các xã miền núi chỉ cần đạt 70%.

5 tiêu chí đánh giá về công tác tổ chức, quản lý hoạt động gồm: cán bộ, kinh phí hoạt động thường xuyên, hoạt động văn hoá, văn nghệ, hoạt động TDTT và chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ.

Cán bộ quản lý phải đạt trình độ trung cấp về văn hóa, thể thao trở lên; do Chủ tịch UBND xã bổ nhiệm; được hưởng phụ cấp bán chuyên trách (đối với cả khu vực đồng bằng và miền núi). Cán bộ nghiệp vụ có chuyên môn về văn hóa, thể thao; được hợp đồng và hưởng thù lao hợp lý. Ở khu vực miền núi phải có cộng tác viên thường xuyên. 

Các hoạt động văn hoá văn nghệ như: tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị; liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng; duy trì hoạt động thường xuyên các CLB; hoạt động xây dựng văn hoá, làng văn hoá, nếp sống văn hoá, bảo tồn văn hoá dân tộc; thu hút nhân dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động, sáng tạo văn hoá cũng phải đảm bảo các tiêu chí cụ thể.

Một trong những tiêu chí đánh giá về công tác tổ chức, quản lý là kinh phí hoạt động phải đảm bảo thường xuyên và ổn định hàng năm. Riêng đối với khu vực miền núi thì đảm bảo 60%, tổ chức 1 giải đấu/năm, thu hút 15/% nhân dân tham gia tập luyện TDTT, còn khu vực đồng bằng tương ứng là 3 giải/năm và 30%. Việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ nhà văn hoá và khu thể thao hiện có phải đảm bảo 100% đối với khu vực đồng bằng và 70% đối với khu vực miền núi.

Ngọc Khánh

Ảnh trong bài
  • Bộ VH,TT&DL ban hành quy chuẩn Trung tâm Văn hoá, Thể thao xã