Kính thưa Tiến sỹ Mai Liêm Trực, Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
- Kính thưa các vị đại biểu,
- Kính thưa Hội nghị.
Lời đầu tiên, thay mặt Uỷ ban TDTT, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quý đã về dự Hội nghị. Chúc sức khoẻ các đồng chí và các bạn.
Sau một thời gian ổn định tổ chức, bộ máy của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, bước vào tổng kết mùa giải chuyên nghiệp và giải hạng nhất quốc gia 2004 – 2005 cũng như thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của Bóng đá Việt Nam trong thời gian tới. Đây là một việc làm đúng thời điểm và có ý nghĩa thiết thực.
Kính thưa các đồng chí,
Tôi cơ bản nhất trí với bản báo cáo tổng kết mùa giải 2004 – 2005 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Nhìn chung, mặc dù còn có những tồn tại, thiếu sót nhất định, song có thể đánh giá rằng mùa giải Bóng đá chuyên nghiệp và giải hạng nhất quốc gia 2004-2005 đã diễn ra đúng kế hoạch và đạt được nhiều thành công. Sau đây, tôi xin tiếp tục được phân tích với các đồng chí để làm rõ những mặt được, mặt chưa được của mùa giải vừa qua.
Mặt được lớn nhất của chúng ta là chất lượng chuyên môn của đa số các trận đấu đã tốt hơn nhiều so với mùa giải trước. Điều đó phần nào đã góp phần thể hiện trình độ Bóng đá nước nhà có những tiến bộ. Các số liệu thống kế kỹ thuật chuyên môn đã chứng tỏ nhận định trên. Qua giải chuyên nghiệp, giải hạng nhất quốc gia, chúng ta đã tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng nhiều vận động viên trẻ, có triển vọng để bổ sung vào Đội tuyển quốc gia chuẩn bị tham dự SEA Games 23 tại Philippines và trong thời gian qua, các vận động viên này đã bước đầu khẳng định khả năng.
Một điểm tích cực nữa đáng ghi nhận là trong mùa giải vừa qua, chúng ta đã thể hiện tinh thần quyết tâm chống tiêu cực cũng như đã phối hợp chặt chẽ với ngành công an và các cơ quan chức năng để kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực. Mặc dù mùa giải năm nay có xảy ra các vụ tiêu cực, song Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Ban tổ chức giải đã nghiêm túc xử lý đúng luật, đúng nguyên tắc, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Kính thưa Hội nghị.
Mùa giải 2004-2005 cũng thể hiện sự tiến bộ trong công tác tổ chức, điều hành. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Ban tổ chức đã phối hợp tốt với giới truyền thông và các nhà tài trợ để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ có hiệu quả trong công tác tuyên truyền và tổ chức giải. Hoạt động quảng cáo, tài trợ đạt được nhiều kết quả tốt. Thu nhập của các vận động viên, huấn luyện viên được cải thiện. Mặc dù chưa trọn vẹn, nhưng Bóng đá đã có thể coi là một nghề mang lại thu nhập ổn định cho rất nhiều vận động viên. Đây cũng là một điểm tốt đáng ghi nhận, có ý nghĩa xã hội sâu sắc cũng như có tác dụng tích cực đối với tương lai phát triển của Bóng đá Việt Nam.
Tóm lại, trong mùa giải vừa qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng và làm được nhiều việc được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng còn rất nhiều hạn chế, thiếu sót cần được nghiêm túc nhìn nhận và có biện pháp khắc phục trong mùa giải tới.
Nổi cộm nhất trong mùa giải vừa qua là hiện tượng một loạt trọng tài, vận động viên, thạm chí cả cán bộ quản lý có dính dáng đến các hành vi tiêu cực như móc ngoặc, dàn xếp tỷ số, mua bán độ. Với sự hỗ trợ của cơ quan công an và quyết tâm chống tiêu cực của chính chúng ta, nhiều vụ việc đã được đưa ra ánh sáng và bị xử lý nghiêm khắc. Mặc dù có thể coi đây là kết quả trong công tác đấu tranh chống tiêu cực nhưng cũng có thể coi đây là những thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành hoạt động Bóng đá. Nó cho thấy cơ chế quản lý, điều hành của chúng ta còn có vấn đề; công tác tuyên truyền giáo dục chưa được tiến hành thường xuyên; kỷ luật chưa nghiêm và các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để phòng ngừa và ngăn chặn tiêu cực trong Bóng đá. Những ý kiến phát biểu hết sức bức xúc của các đại biểu đã cho thấy đây là vấn đề nổi cộm nhất và đáng quan tâm nhất mà mỗi người trong chúng ta phải nhận thức một cách sâu sắc và đi tới thống nhất hành động để có những biện pháp hữu hiệu hơn trong công tác đấu tranh chống tiêu cực.
Hạn chế thứ hai, tuy có những tiến bộ nhất định, song cũng có thể nói rằng công tác quản lý, điều hành Bóng đá nói chung và mùa giải vừa qua nói riêng là chưa thật sự chuyên nghiệp! Chúng ta vẫn còn lúng túng trong xây dựng cơ chế quản lý chuyên nghiệp, vẫn đang “loay hoay” trong việc áp dụng các mô hình thử nghiệm theo khuôn mẫu nước ngoài. Một điểm dễ nhận thấy là trong khi chúng ta đặt ra các yêu cầu rất cao cho Bóng đá chuyên nghiệp thì sự chuyển đổi trong nhận thức, trong năng lực quản lý của bộ máy điều hành cũng như của tất cả thành viên tham gia vào quá trình chuyên nghiệp còn chậm và chưa kịp với những đòi hỏi khách quan của thực tế. Chúng ta còn chưa nghiên cứu một cách đầy đủ những lý luận xung quanh vấn đề chuyên nghiệp hoá Bóng đá; đồng thời cũng còn thiếu rất nhiều các quy định, chính sách, cơ chế đặc thù để tạo hành lang thuận lợi cho quá trình chuyên nghiệp hoá Bóng đá. Tất cả những điều đó dẫn tới mối quan hệ chung là chúng ta còn bị động, lúng túng trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thi đấu.
Còn nhiều điểm thiếu sót, hạn chế mà báo cáo đã đề cập cũng như các đồng chí dự Hội nghị đã phát biểu hết sức thẳng thắn. Tôi đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các cơ quan có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp tại Hội nghị này và có biện pháp thật cụ thể để bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh các văn bản, chính sách quản lý nhằm nhanh chóng khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.
Kính thưa các đồng chí,
Qua tổng kết mùa giải 2004 – 2005, chúng ta cần nhận thức rõ những bài học kinh nghiệm sau:
- Một là, chuyên nghiệp hoá Bóng đá là chủ trương không phải bàn cãi, là một quá trình tất yếu để Bóng đá nước nhà đi lên, sánh vai với bạn bè năm châu và xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân. Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn quá độ, chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế chuyên nghiệp theo định hướng thị trường xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đang phải tự mày mò, thử nghiệm nhiều mô hình để xác định hướng đi đúng. Tôi nhất trí với nhiều ý kiến cho rằng chúng ta không nên nóng vội trong việc áp dụng những mô hình rập khuôn của nước ngoài, nhưng chúng ta cũng không được phép thụ động. Mỗi một cán bộ quản lý trên từng cương vị cần phải hết sức năng động, sáng tạo. Làm Bóng đá chuyên nghiệp, trước hết, cần phải có tư duy và phong cách chuyên nghiệp. Không thể chấp nhận một tư duy luộm thuộm, một tác phong điều hành nghiệp dư, tùy hứng. Làm Bóng đá chuyên nghiệp cũng có nghĩa là mọi việc phải được tiến hành có bài bản, có quy trình rõ ràng, dựa trên hệ thống luật, điều lệ, văn bản quy định đầy đủ, không chồng chéo. Làm Bóng đá chuyên nghiệp cũng có nghĩa là phải biết phối hợp, biết khai thác, điều hoà các mối quan hệ để phát huy hiệu quả tối đa trên cơ sở sử dụng các nguồn lực tối thiểu. Chúng ta cần nhận thức rõ rằng: sự nghiệp chuyên nghiệp hoá Bóng đá không phải chỉ riêng của những người làm công tác Bóng đá mà của toàn thể xã hội, có như vậy chúng ta mới phát huy được sự ủng hộ và sức mạnh cộng đồng của toàn xã hội để đẩy nhanh quá trình chuyên nghiệp hoá.
- Hai là, vật cản lớn nhất đối với quá trình chuyên nghiệp hoá Bóng đá cũng như tương lai phát triển của Bóng đá nước nhà, là tiêu cực. Đây là nỗi đau nhức nhối của Bóng đá Việt Nam, nó không chỉ làm tha hoá, biến chất một số cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên mà thậm chí cả cán bộ điều hành, mà còn có thể làm Bóng đá nước nhà lâm vào tình trạng khủng hoảng, tụt hậu xa so với các nước trong khu vực. Chúng ta xây dựng Bóng đá chuyên nghiệp trong bối cảnh nước ta đang hình thành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những tác động mặt trái của cơ chế thị trường đã xâm nhập vào hoạt động Bóng đá, biến tướng thành các hành vi tiêu cực, ngày càng tinh vi và có hệ thống. muốn chống tiêu cực, bên cạnh việc xử lý kiên quyết những trường hợp tiêu cực, chúng ta phải giải quyết những vấn đề gốc rễ, ngăn chặn những nguy cơ tiềm tàng có thể phát sinh tiêu cực. Nếu cần thiết phải hy sinh một bộ phận, một số người, thậm chí phải chấp nhận sự thụt lùi một bước để giữ gìn kỷ cương và sự trong sáng của Bóng đá Việt Nam, chúng ta sẵn sàng làm điều đó!
- Ba là, để có được một nền Bóng đá chuyên nghiệp tiến bộ, chúng ta phải xây dựng được những nền tảng vững chắc, trong đó có hai yếu tố quan trọng: là hệ thống các câu lạc bộ chuyên nghiệp và hệ thống đào tạo vận động viên các tuyến. Hiện nay ở nước ta, cả hai hệ thống này vẫn chưa đồng bộ, mô hình tổ chức và vận hành thiếu nhất quán, không được quy định cụ thể; điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, các cơ chế chính sách đặc thù còn chưa rõ ràng… Cách làm Bóng đá chuyên nghiệp ở mỗi nơi mỗi khác, tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương. Phần lớn các đội bóng chuyên nghiệp đều chưa tổ chức tốt nguồn đào tạo kế cận, dẫn tới việc khi bước vào cạnh tranh tại một mùa giải vô cùng khắc nghiệt, với sức ép thành tích, các địa phương phải tìm mọi cách để mua, bán, chuyển nhượng cầu thủ. Thậm chí một số tiêu cực cũng phát sinh từ đây. Chúng ta không nhận thức rõ thực tế này thì không thể làm Bóng đá chuyên nghiệp được. Bóng đá chuyên nghiệp phải được xây dựng trên cơ sở nền móng vững chắc, với các tuyến kế cận từ thấp lên cao, không thể duy trì mãi tình trạng “ xây nhà từ nóc” như hiện nay!
Thưa các đồng chí!
Bước sang mùa giải chuyên nghiệp và giải hạng nhất 2005-2006, tôi đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Ban tổ chức giải có kế hoạch triển khai tốt một số việc sau đây:
1. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao. Tích cực phối hợp với các cơ quan công an để làm rõ các vụ việc tiêu cực, kể cả đã xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ và ở bất kỳ cương vị nào, cấp nào. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức đối với đội ngũ trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên. Tất cả các giám sát trọng tài có dính đến tiêu cực sẽ loại khỏi các giải quốc gia. Chúng ta cần tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị ở tất cả các đội bóng, các cơ quan quản lý điều hành đội bóng để thống nhất nhận thức chung, thống nhất biện pháp, cách làm trong việc đấu tranh chống tiêu cực Bóng đá. Nếu cần thiết, phải có những cam kết chung giữa cơ quan chủ quản đội bóng, đội bóng và các cơ quan có trách nhiệm liên quan và có sự giám sát của nhân dân cùng các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xây dựng một chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong cả giai đoạn 2006-2010, triển khai bắt đầu từ mùa giải tới. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Ban tổ chức giải cũng phải rà soát, sửa đổi, bổ sung tất cả các văn bản pháp lý liên quan như Luật, Điều lệ, Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp và các quy định, chính sách khác để có những quy định chặt chẽ và các biện pháp chế tài thật hiệu lực. Cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cơ quan tư vấn để hoàn thiện hệ thống quy định liên quan tới quản lý, điều hành hoạt động Bóng đá chuyên nghiệp. Đây là một việc mà chúng ta còn yếu, cần phải chú ý tăng cường.
3. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu học tập kinh nghiệm làm Bóng đá chuyên nghiệp của bạn bè quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm của các quốc gia châu Á có điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội tương đối gần với điều kiện nước ta. Đồng thời tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của FIFA, AFC để triển khai nhiều dự án, chương trình mục tiêu liên quan tới phát triển Bóng đá nói chung và Bóng đá chuyên nghiệp nói riêng. Đặc biệt, cần tập trung hoàn thiện việc xây dựng mô hình khung cho các câu lạc bộ chuyên nghiệp và triển khai tốt dự án xây dựng trường đào tạo Bóng đá trẻ để tạo nền móng vững chắc cho quá trình chuyên nghiệp hoá Bóng đá.
Cuối cùng, chỉ còn 2 tháng nữa là tới SEA Games 23 tại Philippines, tôi đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, lãnh đạo các địa phương, các câu lạc bộ, các nhà tài trợ…tiếp tục quan tâm, ủng hộ, tạo sự động viên cao nhất cả về tinh thần và vật chất cho Đội tuyển Bóng đá quốc gia nam và nữ để đạt được thành tích cao nhất tại SEA Games tới, đáp ứng sự mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân và người hâm mộ thể thao cả nước.
Nhân dịp này, thay mặt ngành Thể dục thể thao, tôi xin cảm ơn lãnh đạo các địa phương, các nhà tài trợ, các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí đã động viên, ủng hộ hiệu quả và góp phần quan trọng tạo nên thành công chung của mùa giải 2004 – 2005.
Xin cảm ơn và chúc sức khoẻ các đồng chí, các bạn!