Chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình ở tất cả các cấp, các ngành

Đó là một trong những kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết hoạt động chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 diễn ra trực tiếp vào chiều ngày 6/2 tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với các điểm cầu bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

Để công tác chuyển đổi số Quốc gia sớm đạt được những mục tiêu đặt ra, cũng như thông qua nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải bám sát Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình hành động của Chính phủ. Chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện cuộc "cách mạng" về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời, chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình, ở tất cả các cấp, các ngành, phù hợp xu thế thế giới và đáp ứng yêu cầu của nhân dân, lấy người dân, doanh nghiệp là, trung tâm, chủ thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần 5 "tăng tốc, bứt phá": Tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số toàn diện, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn tới; tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân..., nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; tăng tốc, bứt phá trong phát triển hạ tầng số; tăng tốc, bứt phá trong phát triển nhân lực số, trang bị kiến thức và kỹ năng cho thế hệ tương lai, sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số; tăng tốc, bứt phá trong phát triển chính phủ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Giao nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, góp phần đạt tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% trong năm 2025.
Kế hoạch thực hiện phải hoàn thành trước 15/2, bảo đảm thực chất, không hình thức; các nhiệm vụ phải cụ thể, lượng hóa để dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ đo lường, dễ kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số, đa dạng hóa về hình thức, đa dạng hóa nội dung và lượng hóa về kết quả.

Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15/2 hoàn thành việc hợp nhất các ủy ban, ban chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 thành Ban Chỉ đạo của Chính phủ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để cụ thể hóa, triển khai các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban.
Bên cạnh đó, thống nhất nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện của người lãnh đạo trong chuyển đổi số. Yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có quyết tâm chính trị cao, nêu gương đi đầu, tiên phong trong thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận trong chuyển đổi số.
Chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ chậm tiến độ; thường xuyên giao ban, kiểm tra để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn theo nguyên tắc "lãnh đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên".

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến 

Đến tháng 6/2025, yêu cầu tất cả các lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Đến cuối năm 2025, tất cả cán bộ, công chức cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Đẩy mạnh rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số.
Các bộ ngành hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số và nhanh chóng xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn. Khẩn trương xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, lấy ý kiến và báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9. Xây dựng và trình Quốc hội ban hành nghị quyết quy định về cơ chế đặc thù đầu tư, đầu tư công, mua sắm công các sản phẩm, dịch vụ số.
Đồng thời, khẩn trương trình Chính phủ ban hành 2 nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử, 3 nghị định hướng dẫn Luật Dữ liệu và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ. Sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển chính phủ số và Chương trình phát triển kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2026-2030.
Bộ Tài chính đảm bảo nguồn ngân sách chi thường xuyên để triển khai các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06. Đối với phát triển kinh tế số, hạ tầng số và nền tảng số quốc gia, Thủ tướng yêu cầu xây dựng Đề án ứng dụng internet vạn vật trong một số ngành, lĩnh vực, như sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh…
Đưa Trung tâm Dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động trong năm 2025; đẩy mạnh phát triển hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh; cáp quang băng thông rộng tốc độ cao… 
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Trong năm 2025, 100% các sân bay, bến cảng, cửa khẩu ứng dụng công nghệ sinh trắc, nền tảng VneID. Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới cung cấp dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Áp dụng chính sách thu phí 0 đồng để thu hút người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân...
Về an ninh, an toàn thông tin, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp, thường xuyên đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.
Về phát triển nhân lực chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm cả việc đào tạo chung mang tính phổ cập và cả đào tạo chuyên gia, thu hút nhân tài, cùng với việc đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; trong đó đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Đối với công tác triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh triển khai 39 nhiệm vụ chậm tiến độ của Đề án 06; tích hợp dữ liệu tổng hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành về cơ sở dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh số hóa, tạo lập dữ liệu, bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; hoàn thành trong quý IV/2025. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, thông qua VNeID trong quý I/2025. 

 

N.H
 

Ảnh trong bài
  • Chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình ở tất cả các cấp, các ngành
  • Chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình ở tất cả các cấp, các ngành