Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới đầu cầu các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động Nghị quyết 57-NQ/TW với các nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.
![](/Portals/0/images/article/img7066-1738829265436114374651.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tại Trụ sở Chính Phủ (Ảnh: VGP)
Đây là chương trình toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng, các giải pháp mang tính khả thi cao nhằm cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, hành động thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu mong mỏi của nhân dân. Chương trình hành động cũng là phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy triển khai chuyển đổi số và Đề án 06 thời gian tới.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực. Đồng thời tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, tiết kiệm thời gian công sức, hạn chế tiêu cực, tham nhũng vặt, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng nêu rõ, cơ sở dữ liệu dân cư đang được khai thác hiệu quả, nhưng muốn hiệu quả hơn nữa, các cơ quan, đơn vị phải thiết lập cơ sở dữ liệu riêng, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để có cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, là nền tảng thúc đẩy trí tuệ thông minh. Do đó việc quyết liệt trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư là hết sức quan trọng.
Theo Thủ tướng, việc quản lý xã hội vẫn là quản lý con người, được quản lý bằng các công cụ, từ sử dụng thông tin vào các mục đích khác nhau, cuối cùng là mục tiêu cao nhất để đất nước phát triển, người dân được hưởng thụ thành quả, đỡ chi phí tuân thủ, hạn chế tham nhũng vặt.
![](/Portals/0/images/article/z6292844586956_47a2f5acf140d2497fabf87083da3d0e.jpg)
Toàn cảnh điểm cầu trực tuyến tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ảnh: V.Duy)
Thủ tướng nhận định, thời gian qua chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng vẫn còn có hạn chế,nhất là chậm tiến độ, nếu tốc độ chậm thì rất khó hoàn thành các mục tiêu đề ra, đặc biệt là các bộ, ngành thiết lập cơ sở dữ liệu để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia… Việc này được triển khai, đồng bộ sớm thì thì sẽ thấy được hiệu quả tối ưu trong công tác chuyển đổi số.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin truyền thông trong năm 2024 chuyển đổi số quốc gia, nhất là triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt nhiều bước tiến lớn, quan trọng. Trong đó nổi bật là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có kinh nghiệm hơn, lớp lang, bài bản hơn; việc tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. Thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số tiếp tục được tập trung hoàn thiện. Trong năm 2024, Quốc hội đã ban hành Luật Dữ liệu; Chính phủ đã ban hành 14 nghị định. Các Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 33 Thông tư.
Bên cạnh đó, kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh, năm 2024 đạt 18 tỷ USD, tăng 38,5%. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Marvell - thiết kế chip; NVIDIA - nghiên cứu phát triển; SK Hynix - sản xuất bộ nhớ.
Hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển. Cụ thể, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Hoàn thành cấp 100% căn cước gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 60 triệu tài khoản định danh điện tử; cung cấp 40 tiện ích trên ứng dụng VNeID, tăng 27 tiện ích so với năm 2023; làm sạch 35,1 triệu dữ liệu giấy phép lái xe; đối soát thông tin sinh trắc của 56,8 triệu hồ sơ khách hàng ngành ngân hàng.
Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại (đã triển khai 54/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu).
Cùng với đó, Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133. Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi quốc gia và triển khai Đề án 06, trong thời gian tới, tại Hội nghị lần này Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự từ điểm cầu trực tiếp và trực tuyến cùng thảo luận, phân tích, đánh giá tập trung các nội dung: đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh bạch bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 năm 2024; nhận diện các hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách, chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, trách nhiệm của cơ quan, địa phương nào, đồng thời xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện phát triển hạ tầng số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Cơ sở dữ liệu là tư liệu sản xuất, trí tuệ thông minh góp phần thúc đẩy kinh tế sáng tạo; do đó phải làm nhanh, nếu chậm sẽ bị tụt hậu. Thủ tướng mong các bộ, ngành thảo luận kỹ thống nhất các giải pháp để thúc đẩy mạnh hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, người dân được hưởng thụ nhiều hơn thành quả; xác định rõ nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để tăng tốc, bứt phá, về đích trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng mong muốn mỗi phiên họp phải mang lại một kết quả mới; xác định các nhiệm vụ giải pháp mang tính đột phá, sau phiên họp phải tổ chức thực hiện ngay, trong đó, Đề án 06 phải được đánh giá hàng tháng. Theo Thủ tướng, nguồn lực không thiếu, vấn đề là ý tưởng đúng hướng, đi theo xu hướng thế giới, phù hợp nguyện vọng của nhân dân; có giải pháp, cơ chế, chính sách, phương pháp huy động nguồn lực để làm công tác này.
N.Hương