Những kết quả nổi bật năm 2024
Năm 2024, Trung tâm Doping và Y học thể thao đã đặt ra các mục tiêu và cơ bản hoàn thành nhiều nhiệm vụ như: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống Doping phù hợp với các quy định của Bộ luật phòng, chống Doping thế giới và các tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng kế hoạch lấy mẫu kiểm tra Doping trong và ngoài thi đấu; triển khai tốt các hội đồng trong công tác phòng, chống Doping; tăng cường hợp tác quốc tế…
Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Cụ thể, trong công tác xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật, Trung tâm đã được Cục giao xây dựng 2 Thông tư. Trong đó, Thông tư số 01/2024/TT-BVHTTDL ngày 17/5/2024 của Bộ VHTTDL Quy định về phòng, chống Doping trong hoạt động thể thao đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành và Thông tư Quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật cung cấp dịch vụ phòng, chống Doping trong hoạt động thể thao (đang xây dựng).
Về công tác chuyên môn, hoạt động giáo dục truyền thông phòng, chống Doping trong TDTT đã được Trung tâm triển khai hiệu quả. Theo đó, Trung tâm đã làm việc với các trường Đại học TDTT Bắc Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để đưa nội dung phòng, chống Doping vào giảng dạy tại các trường đại học; ký hợp tác với Đại học Ngoại thương phối hợp cử tình nguyện viên trong hoạt động giáo dục truyền thông phòng, chống Doping; tổ chức tập huấn đào tạo CTV giáo dục truyền thông phòng, chống Doping cho 20 học viên là các CTV đến từ các địa phương; tổ chức lớp tập huấn tại 4 Trung tâm HLTTQG; tổ chức tập huấn kiến thức cho nhiều Liên đoàn như: Cử tạ, Thể hình, Thể thao dưới nước, Boxing Việt Nam; Tổ chức hoạt động giáo dục truyền thông phòng, chống Doping trực tiếp tại 18 giải đấu thể thao thuộc các môn thể thao chuyên nghiệp…
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hoàn thành việc lấy mẫu kiểm tra Doping và nhiều hoạt động liên quan. Đặc biệt đã lấy mẫu kiểm tra Doping cho các VĐV tham dự Olympic Paris 2024. Công tác hợp tác quốc tế cũng được Trung tâm triển khai khi tiến hành trao đổi, hợp tác với tổ chức phòng, chống Doping của Trung Quốc; Tham dự hội nghị phòng, chống Doping tại Hàn Quốc; tham dự hội nghị liên chính phủ cấp Bộ trưởng khu vực châu Á, châu Đại Dương lần thứ 19; tham dự nhiều hội thảo quốc tế về phòng, chống Doping ở cấp độ quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới…
Chia sẻ về những kết quả đạt được, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học Thể thao Lê Minh Hà cho biết: Trong năm 2024, với những nhiệm vụ được đặt ra dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất định, nhưng tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm đã thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Lê Minh Hà báo cáo kết quả và kế hoạch tại Hội nghị
Quyết tâm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Trên nền tảng những thành tích đã đạt được, trong năm 2025, bám sát kế hoạch của ngành TDTT và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo Cục TDTT, tập thể cán bộ viên chức, người lao động Trung tâm tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo đó, công tác giáo dục, tuyên truyền và tập huấn cho cán bộ, VĐV, HLV, CTV, TNV về phòng, chống Doping tiếp tục được triển khai đồng đều. Phối hợp với 4 trung tâm HLTTQG và trường Đại học TDTT Bắc Ninh về giáo dục tuyên truyền vai trò của công tác phòng, chống Doping; tổ chức tập huấn CTV toàn quốc, tập huấn kiến thức cho các Hội thể thao quốc gia, cho các sở VHTTDL; thực hiện truyền thông phòng, chống Doping trực tiếp tại 25 giải đấu thể thao do các Liên đoàn tổ chức; hướng dẫn VĐV và người hỗ trợ VĐV tham gia các khóa học và kiểm tra chứng chỉ trên hệ thống ADEL.
Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra Doping cho các VĐV trước, trong, ngoài thi đấu ở các giải đấu lớn như: SEA Games 33, Đại hội Thể thao trẻ châu Á, Giải vô địch thế giới… theo yêu cầu của Ủy ban Olympic, của các Liên đoàn quốc tế, Ủy ban Paralympic thế giới…
Toàn cảnh Hội nghị
Giám đốc Trung tâm Doping và Y học Thể thao Lê Minh Hà nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm trong nước trong năm 2025, chính là việc tổ chức 2 lớp tập huấn về phòng, chống Doping cho đối tượng cán bộ quản lý thể thao tại Huế và cho đội ngũ CTV toàn quốc về giáo dục truyền thông phòng, chống Doping tại Đà Nẵng. Trung tâm mong muốn sẽ được Cục TDTT thống nhất bằng văn bản để có một phương án hợp tác với các đơn vị địa phương trong quá trình tổ chức các lớp tập huấn này.
Ngoài ra, trong năm 2025, Trung tâm cũng sẽ tiến hành xây dựng phần mềm giáo dục phòng, chống Doping. Thực hiện đổi mới chương trình truyền thông kỹ thuật số, tiếp cận với toàn bộ các VĐV thuộc các trung tâm đào tạo các tỉnh, thành phố lớn, VĐV đội tuyển quốc gia các tuyến; tổ chức các chương trình giáo dục “thể thao lành mạnh” trong học đường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quan hệ quốc tế…
Thay mặt cho toàn thể cán bộ, viên chức , người lao động của Trung tâm, giám đốc Lê Minh Hà mong muốn: trong năm 2025, để phục vụ cho quá trình thực hiện các nhiệm vụ, Trung tâm, mong Cục TDTT trình lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác giáo dục, truyền thông phòng, chống Doping thường xuyên, liên tục tại các cơ sở giáo dục, đào tạo VĐV; chỉ đạo các Liên đoàn, Hiệp hội quốc gia bắt buộc đưa nhiệm vụ phòng, chống Doping vào Điều lệ hoạt động…
Cục TDTT tham mưu, trình lãnh đạo Bộ VHTTDL ký văn bản đề nghị bộ GD&ĐT chỉ đạo đưa nội dung Giáo dục giá trị thể thao sạch, tinh thần thể thao trung thực và cao thượng tại các cơ sở giáo dục phổ thông lồng ghép vào Các hoạt động thể thao ngoại khóa…
Giám đốc Minh Hà cũng nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, công tác Giáo dục truyền thông phòng, chống Doping luôn là nhiệm vụ hàng đầu và vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trong thời gian tới, việc triển khai công tác này tại các môn thể thao có nguy cơ cao càng cần được đẩy mạnh hơn nữa vì một nền thể thao chuyên nghiệp…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết, Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến đánh giá cao những kết quả cũng như đồng cảm với những khó khăn, thách thức mà Trung tâm sẽ phải vượt qua trong năm mới 2025.
Theo Phó Cục trưởng Lê Hoàng Yến: Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng ký duyệt; bên cạnh đó là việc tiếp tục triển khai KL70 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 08 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong TDTT, cùng với đó là rất nhiều văn bản, quy định, Thông tư, Nghị định đã và sẽ được ban hành trong thời gian tới, đặt ra cho ngành TDTT nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thách.
"Với Trung tâm Doping và Y học Thể thao- đơn vị duy nhất của ngành trong công tác đặc thù này sẽ có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều thách thức phải vượt qua, nhưng tôi tin với sự đoàn kết một lòng, nỗ lực không ngừng, trong năm mới -2025, Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao".
Về công tác phối hợp với các liên đoàn, hiệp hội, phối hợp truyền thông , theo bà Yến, đây là việc không khó, lãnh đạo Cục TDTT luôn lắng nghe nguyện vọng của đơn vị, sẵn sàng hỗ trợ hết sức để có thể giúp Trung tâm thực hiện được kế hoạch của mình…
Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cũng cho rằng, trong thời gian tới, Trung tâm Doping và Y học thể thao tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chuyên môn để giúp phát triển thể thao đỉnh cao ngày càng chuyên nghiệp, tuân thủ theo quy định quốc tế; đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về phòng, chống Doping trong hoạt động thể thao; phổ biến danh sách chất cấm, phương pháp cấm của Tổ chức phòng, chống Doping thế giới…
Minh Minh, Ảnh: V. Duy