Nghị định số 61/2024/NĐ-CP có nhiều quy định mới về tiêu chuẩn, chặt chẽ và khoa học hơn

Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 6/6/2024 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, trong đó có nhiều quy định mới về tiêu chuẩn chặt chẽ và khoa học hơn.

Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 19/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP được ban hành đã mang lại hiệu lực, hiệu quả trong công tác xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú". Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức được 03 đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" (đợt 1: năm 2016; đợt 2: năm 2019; đợt 3: năm 2022). Kết quả đã có 186 "Nghệ sĩ ưu tú" được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân"; và 686 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú".

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10

Cần thiết xây dựng Nghị định mới về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"

Quá trình xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" thời gian qua cho thấy còn có những đối tượng hoạt động nghệ thuật cần bổ sung để bảo đảm quyền lợi của cá nhân như: Bổ sung đối tượng quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình; bổ sung cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch xét theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt"; bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm để tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ. Mặt khác, về quy trình, thủ tục xét tặng điều chỉnh cho khoa học hơn, sửa đổi một số quy định còn lặp lại quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như nguyên tắc xét tặng, thời gian xét tặng và công bố danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".

Từ những lý do nêu trên, để triển khai thi hành hiệu quả Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú", việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP là cần thiết.

Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 6/6/2024 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, trong đó có nhiều quy định mới về tiêu chuẩn, chặt chẽ và khoa học hơn

Theo đó, Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 6/6/2024 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được Chính phủ ban hành để thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP. Nghị định số 61/2024/NĐ-CP đã bổ sung nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình thực tế cũng như quy định rõ về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".

Đối với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân

Cá nhân phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên hoặc 15 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa. Cá nhân đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, sau đó tiếp tục đạt một trong các tiêu chí sau đây: Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng quốc gia cá nhân. Trong trường hợp không có 1 giải Vàng quốc gia cá nhân thì phải có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia được quy đổi cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này. Giải Vàng trong nước của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú

Đối với danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú

Cá nhân phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên hoặc 10 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa.  Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng quốc gia cá nhân. Giải Vàng trong nước của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định. Cá nhân có ít nhất 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia, trong đó có giải Vàng quốc gia là của cá nhân. Trong trường hợp không có 1 giải Vàng quốc gia là của cá nhân thì phải có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia được quy đổi cho cá nhân theo quy định.

Theo quy định, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú ược xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau: Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật tiêu biểu xuất sắc cho loại hình, ngành, nghề văn hóa, nghệ thuật được tôn vinh; có uy tín nghề nghiệp; có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận, mến mộ.

Hiếu Minh, ảnh TH

Ảnh trong bài
  • Nghị định số 61/2024/NĐ-CP có nhiều quy định mới về tiêu chuẩn, chặt chẽ và khoa học hơn
  • Nghị định số 61/2024/NĐ-CP có nhiều quy định mới về tiêu chuẩn, chặt chẽ và khoa học hơn