Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các cục, vụ, ban, ngành và địa phương đã nêu những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai, phát triển các quy hoạch.
Chia sẻ về Quy hoạch thiết chế thể dục, thể thao, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt cho biết: đối với quy hoạch mạng lưới trung tâm đào tạo và huấn luyện thể thao, đây là hệ thống đào tạo nhiều năm, nhiều giai đoạn và cần có sự chung tay, sự phối hợp từ trung ương đến địa phương. Ngoài 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ) là các trung tâm huấn luyện thể thao vệ tinh đặt tại các địa phương. Cần phối hợp để xây dựng mạng lưới tổng thể trong công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV để hướng tới đạt thành tích tại đấu trường châu lục và thế giới.
Hội nghị diễn ra dưới sự điều hành của của Thứ Trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và Hồ An Phong
Đối với mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao, bao gồm 3 khu liên hợp thể thao quốc gia, mục tiêu để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc tế, ví dụ như SEA Games, Asiad thì số lượng môn thi đấu khoảng tầm 40 môn, các khu liên hợp thể thao quốc gia chỉ đáp ứng chừng 20 môn, 20 môn còn lại hoặc hơn nữa thì các nhà thi đấu hoặc khu liên hợp thể thao địa phương đáp ứng. Nên việc xây dựng mạng lưới các vệ tinh lân cận đảm bảo cơ sở vật chất, hệ thống tuyển chọn đồng bộ là điều cần thiết hướng tới sự phát triển của Thể thao Việt Nam, Cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch trong những năm tới cũng đặt phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở TDTT quốc gia, gồm: mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo TDTT; mạng lưới cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên. Xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện và nâng cao thành tích tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện quốc gia trọng điểm thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, phục vụ huấn luyện cho các môn thể thao trọng điểm, xác định mục tiêu huy chương tại Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao thế giới…
Toàn cảnh Hội nghị
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cho rằng cần tập trung triển khai và cụ thể hóa các giải pháp đã đề ra cũng như cần bố trí các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các dự án, đề án... Quan tâm các thiết chế phục vụ thanh thiếu nhi, người cao tuổi, người lao động tại các khu công nghiệp. Ưu tiên đầu tư các vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước khắc phục chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ở các vùng, miền... UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; chế độ ưu đãi, đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, TDTT…
Ngoài ra, các giải pháp được đề xuất cần được tiếp cận theo hướng toàn diện, chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các rào cản. Song song là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển văn hóa, thể thao giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, trong nước và quốc tế; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa và thể thao đối với phát triển bền vững. Việc triển khai quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo nên thay đổi mang tính đột phá, góp phần tạo ra nguồn lực, động lực mới để phát triển đất nước; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Cục trưởng Cục TDTT chia sẻ ý kiến tham luận tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định: sau Hội nghị công bố, Bộ VHTTDL chuẩn bị nội dung trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện 2 Quy hoạch nói trên. Bộ VHTTDL đã gửi nội dung dự thảo tới các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, lấy ý kiến hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Thứ trưởng Hồ An Phong ghi nhận, đánh giá cao 9 ý kiến tham luận được chuẩn bị công phu, sâu sắc và trách nhiệm được trình bày, đóng góp tại Hội nghị lần này. Những nội dung ở mỗi tham luận, ý kiến nêu ra không chỉ phản ánh về nhận thức và quán triệt các nội dung trong Quy hoạch mà còn gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, phục vụ cho các bước đi tiếp theo. Đặc biệt, nhiều ý kiến đã gợi mở để triển khai có hiệu quả nội dung các Quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, với từng địa phương, vùng miền, theo từng lĩnh vực
Để thực hiện tốt nội dung quy hoạch, biến khát vọng, tầm nhìn thành hiện thực, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo thống nhất về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Quy hoạch.
Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, làm tốt công tác quản lý quy hoạch, vừa đảm bảo quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện”.
Cũng theo Thứ trưởng, nhận thức về nguồn lực để triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ ở quy mô quốc gia mà còn đối với từng địa phương. Để làm tốt việc này, lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề nghị sửa đổi các chủ trương, chính sách, quy định đã ban hành nhằm phù hợp với quy hoạch; đề xuất ban hành mới các cơ chế chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Bài, Ảnh: N.H