Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024

Sáng 17/10, tại Khách sạn Melia Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024 (Vietnam Sport Economic Forum 2024) với chủ đề “Phát huy tiềm năng của Kinh tế thể thao trong thời kỳ mới”.

Dự Diễn đàn có 200 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, đơn vị tổ chức giải thể thao chuyên nghiệp và phong trào, các đài truyền hình và công ty hoạt động trong lĩnh vực bản quyền thể thao, kinh doanh trong lĩnh vực thể thao.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định: Đảng và Nhà nước ta dành nhiều sự quan tâm cho thể dục thể thao, không chỉ vì thể dục thể thao góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực của của người dân, mà còn vì những hiệu ứng tích cực khác về uy tín, hình ảnh đất nước và những nguồn lực quan trọng mà thể thao đem lại cho xã hội. Ngày 31/01/2024, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 70-KL/TW về việc phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; trong đó có nhiệm vụ quan trọng mà các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội… phải tập trung thực hiện, đó là: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trong giai đoạn mới...; Chú trọng cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng…; khung pháp lý về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền và tài trợ, thúc đẩy xã hội hóa…;

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt chia sẻ trong phiên thảo luận thứ Nhất

 “Chính vì vậy, qua sự kiện ngày hôm nay, tôi mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và các doanh nghiệp bằng tâm huyết và hiểu biết của mình, cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về cách thức quản lý, vận hành, khai thác nguồn lực kinh tế từ các hoạt động, sự kiện thể thao, qua đó có những gợi mở quan trọng giúp cơ quan quản lý ngành, các địa phương và các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia vào thị trường kinh tế thể thao của Việt Nam trong thời gian tới"”,  Thứ  trưởng nhấn mạnh.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng đề nghị: sau khi sự kiện kết thúc, các cơ quan quản lý, tham mưu về thể dục, thể thao khẩn trương có các kế hoạch cụ thể, thiết thực để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao, đóng góp chung vào phát triển kinh tế- xã hội, cũng như có thêm nhiều nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao của nước nhà.

Nhân cơ hội này, Thứ trưởng đã gửi lời cảm ơn tới các đồng chí nguyên lãnh đạo ngành thể dục, thể thao, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thể dục thể thao, các doanh nghiệp đã luôn đồng hành cùng thể thao Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024 diễn ra vào sáng ngày 17/10

Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024 với 3 phiên thảo luận đã giúp làm rõ các vấn đề liên quan tới việc tạo lập môi trường pháp lý để phát triển kinh tế thể thao; Tác động kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn đối với địa phương, đơn vị đăng cai và Khai thác giá trị thương mại và lợi ích xung quanh một giải thi đấu thể thao

Ở phiên thảo luận thứ Nhất, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế Trung Ương, ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT và ông Lê Thanh Liêm - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL đã đề cập đến những tác động trong việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hội thể thao quốc gia và các nhà tổ chức đồng hành cùng các hoạt động thể thao. 

Các nội dung chính được thảo luận bao gồm các vấn đề pháp lý xung quanh việc quản lý, tổ chức các hoạt động thể thao trong nước và quốc tế (cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan); vai trò của các hội thể thao quốc gia đối với hoạt động thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp và thể thao phong trào; chính sách quản lý và sử dụng cơ sở hạ tầng thể thao nhằm phát huy nguồn lực tại chỗ và khuyến khích các hoạt động thể dục, thể thao phát triển.

Ông Oh Yeong-woo - đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao Hàn Quốc, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ông Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, Chủ tịch VVFCOM và Vovinam Digital của Liên đoàn Vovinam Việt Nam – Nguyên Phó chủ tịch Tỉnh Nam Định đã chia sẻ về những tác động kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn đối với địa phương, đơn vị đăng cai ở phiên thảo luận thứ Hai.

Các nội dung chính được thảo luận bao gồm vị thế chủ nhà - lợi ích và thách thức; làm thế nào để đăng cai một sự kiện thể thao lớn; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quyết định đăng cai một sự kiện thể thao lớn (nhận thức, chính sách, sự ủng hộ...); lợi ích thương mại lâu dài từ việc phát triển thương hiệu địa phương thông qua các hoạt động, sự kiện thể thao.

Ở Phiên thảo luận thứ Ba, các diễn giả Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, bà Phạm Thanh Phương - Giám đốc TT Dịch vụ Truyền hình TV360 và ông PABLO CASAOS LLORENS – đại diện của LALIGA tại VIETNAM - International Development đã đưa ra những đánh giá về tiềm năng khai thác giá trị thương mại từ một giải đấu thể thao và tìm ra những bài học kinh nghiệm.

Các nội dung chính được thảo luận bao gồm sự tham gia và tiêu dùng của người hâm mộ thông qua giải đấu; cách tiếp cận, các điều kiện cần và đủ, lợi ích đem lại từ quyền phát sóng và dịch vụ trực tuyến; những bài học từ C1 - giải bóng đá cấp câu lạc bộ lớn nhất thế giới.

A.T, ảnh Văn Duy

Ảnh trong bài
  • Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024
  • Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024
  • Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024
  • Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024