Nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận, ứng phó, xử lý khủng hoảng báo chí, truyền thông

Sáng 10/9, tại trụ sở Bộ VHTTDL đã diễn ra Hội nghị Tập huấn về công tác báo chí, truyền thông năm 2024. Lớp tập huấn nhằm giúp cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức trong Bộ VHTTDL nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý công tác truyền thông báo chí, từ đó phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước của ngành. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Trong thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây, Ban cán sự Đảng, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giao nhiệm vụ cho công tác truyền thông, báo chí trong bối cảnh Bộ VHTTDL đang tích cực, chủ động thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về VHTTDL mà Đại hội Đảng nhiệm kỳ 13 đã xác định.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo tại lớp Tập huấn

Đây không phải nhiệm vụ riêng mà là trách nhiệm chung với các cơ quan có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước. Người đứng đầu mỗi đơn vị quản lý nhà nước phải có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ một cách quyết liệt.

Tại Hội Nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của công tác truyền thông, báo chí của Bộ VHTTDL trong thời gian qua. Cụ thể, các hoạt động thực hiện, chỉ đạo ngày càng có chiều sâu, bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn; có nhiều kỹ năng ứng phó với khủng hoảng truyền thông hơn mang tới nhiều chuyển biến tích cực. 

Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy việc cần phải nâng cao nhận thức và kỹ năng chuyên môn trong công tác báo chí, truyền thông là vô cùng cấp thiết. Khi lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực báo chí, truyền thông nắm bắt và nhận thức được vai trò và vị trí quan trọng của nhiệm vụ mà mình đang đảm trách sẽ giúp cho công tác Quản lý nhà nước, Truyền thông chính sách cho ngành ngày một nâng cao hơn…

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã được nghe 2 chuyên đề chính bao gồm: Kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin ứng xử với báo chí truyền thông; Kỹ năng nhận diện, đánh giá mức độ và xử lý hiệu quả tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.

Ở chuyên đề 1: Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông Đặng Thị Phương Thảo đã cung cấp tới đại biểu về thực trạng hoạt động báo chí hiện nay trên cả nước. Sự nhiễu loạn về thông tin xuất phát từ việc công nghệ số ngày càng đi lên, trên 80% người dân hiện nay sử dụng các thiết bị thông minh. Chính mỗi cá nhân đó có thể đưa ra thông tin, đánh giá, phán đoán một vấn đề theo quan điểm của riêng họ. Sự lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt khiến cho một vấn đề có thể bị đẩy đi theo chiều hướng không tích cực. Do đó, vai trò của người phát ngôn, người làm truyền thông chính thức phải có góc nhìn bao quát, sâu, rộng; có phản ứng kịp thời để đảm bảo tính chính thống, xác thực của thông tin báo chí…

Hiện nay, kinh tế gặp nhiều khó khăn, kinh tế báo chí cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Điều này sẽ càng làm cho công tác truyền thông báo chí chính thống gặp nhiều khó khăn trước sự tham gia mạnh mẽ của lực lượng truyền thông xã hội. Một phát ngôn sai có thể ảnh hưởng nghiệm trọng đến thành quả của cả ngành VHTTDL. Do đó, việc phân biệt rõ ràng, nhận thức đúng đắn, nâng cao kỹ năng là điều tiên quyết trong công tác truyền thông, báo chí hiện nay…

Chuyên đề 2 do ông Vũ Trọng Hà – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương trình bày, đã nêu rõ sự ảnh hưởng của thông tin trong nước và quốc tế tới tình hình chính trị, xã hội hiện nay. Những thông tin giả, thiếu tính xác thực, thậm chí xuyên tạc sự thật đang lan tràn công khai trên mạng. Vai trò của người làm công tác báo chí, truyền thông lại càng phải được nâng cao hơn bao giờ hết. Nhận thức đúng đắn được tình hình thực tế, bình tĩnh ứng phó trước những thông tin sai, trái từ đó đưa ra được phương pháp xử lý khủng hoảng, giúp bảo vệ thành quả đã đạt được cũng như nâng cao được vị thế của ngành VHTTDL trong thời gian tới là vô cùng quan trọng và đòi hỏi kỹ năng cao của các cán bộ làm công tác truyền thông…

Các báo cáo chuyên đề đã dựa trên sự thông cảm và chia sẻ, thấu hiểu với tính đặc thù của Bộ VHTTDL. Căn cứ vào những vấn đề cụ thể, thực tiễn, từ đó giúp các cán bộ ý thức được vai trò và nhiệm vụ của mình, để khi gặp tình huống cụ thể có thể đúc rút ra kinh nghiệm sâu sắc. Từ những trải nghiệm mới sẽ thấm và nhớ lâu để rồi có thể nhận thức được rõ vấn đề và nâng cao kỹ năng ứng phó trước mọi vấn đề trong tình hình mới.

Cùng với 2 chuyên đề trên, các đại biểu tham dự Hội nghị còn được nghe bài giảng về tình hình thông tin nhiều chiều của nhiều vấn đề nóng hổi trong và ngoài nước. Đây là những vấn đề đòi hỏi các cá nhân làm việc trong lĩnh vực truyền thông, báo chí phải thực sự tỉnh táo để ngăn chặn được các tin sai sự thật, tin giả đang tràn lan.

Một số hình ảnh tại Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Các đại biểu nhận thức được tầm quan trọng rất lớn của công tác truyền thông, báo chí

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã có những đánh giá, nhận định cụ thể về tình hình công tác truyền thông, báo chí của ngành VHTTDL hiện nay

Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT& TT trình bày khá rõ nét và mang tính thực tiễn cao về tình hình thực tiễn hoạt động truyền thông hiện nay

Ông Vũ Trọng Hà – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương trình bày tại Hội nghị

Minh Minh, ảnh: V. Duy

Ảnh trong bài
  • Nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận, ứng phó, xử lý khủng hoảng báo chí, truyền thông
  • Nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận, ứng phó, xử lý khủng hoảng báo chí, truyền thông
  • Nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận, ứng phó, xử lý khủng hoảng báo chí, truyền thông
  • Nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận, ứng phó, xử lý khủng hoảng báo chí, truyền thông
  • Nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận, ứng phó, xử lý khủng hoảng báo chí, truyền thông
  • Nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận, ứng phó, xử lý khủng hoảng báo chí, truyền thông