Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TDTT và vi phạm, xử lý vi phạm pháp luật về TDTT

Hiện nay, hiện tượng bạo lực trong thi đấu thể thao tại một số giải vẫn chưa được khắc phục và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trong đó, có những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TDTT, vi phạm Luật Thể dục, thể thao thực hiện một cách vô thức. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TDTT và vi phạm, xử lý vi phạm pháp luật về TDTT, trang tin điện tử xin đăng bài viết của ông Vũ Trọng Lợi - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế về vấn đề này.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao.  

Điều 10 của Luật Thể dục, thể thao, Điều 3 Nghị định 112/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TDTT. Những hành vi này được quy định, hướng dẫn áp dụng thực hiện trong các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TDTT; Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về chống tiêu cực trong hoạt động TDTT; Thông tư liên tịch về việc Phối hợp phòng và chống các hành vi tiêu cực trong hoạt động TDTT giữa Uỷ ban TDTTvà Bộ Công an; Chỉ thị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT (nay là Bộ VH,TT&DL) về một số công  tác cấp bách chấn chỉnh hoạt động Bóng đá; Quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT về tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

Những hành vi bị nghiêm cấm đó bao gồm:

1. Lợi dụng hoạt động TDTT xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng con ngưòi, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hoá dân tộc.

Nghiêm cấm những hành vi lợi dụng hoạt động TDTT xâm phạm lợi ích của Nhà nước như kích động gây mâu thuẫn chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây thù hằn giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa nhân dân địa phương này với nhân dân địa phương khác làm mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nghiêm cấm hành vi đập phá, huỷ hoại tài sản nhà nước như lợi dụng cổ vũ thi đấu thể thao đập phá, đốt ghế sân vận động, nhà thi đấu và phá hoại các công trình công cộng khác.

Đây là một chế định quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước trước những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng lợi dụng các hoạt động TDTT để tuyên truyền xuyên tạc và chống lại các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Các hành vi lợi dụng hoạt động TDTT xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị nghiêm cấm như: Đặt tên gọi hoặc biểu tượng môn phái trùng với tên gọi hoặc biểu tượng của tổ chức cá nhân khác đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của tổ chức, cá nhân đó; hành vi không lên tập trung đúng hạn theo giấy triệu tập mà không được phép làm ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo và thành tích của Đội tuyển; lôi kéo mua chuộc VĐV trái quy định của pháp luật về chuyển nhượng VĐV.

Lợi dụng hoạt động TDTT gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng con người là những hành vi bị nghiêm cấm như việc sử dụng các phương pháp huấn luyện thể thao không đúng khoa học, giới thiệu truyền bá phương pháp rèn luyện thân thể mang tính mê tín làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tập; lợi dụng thi đấu thể thao để hành hung người khác; trừng phạt người khác bằng hình thức vận động đến kiệt sức.

Lợi dụng hoạt động TDTT có những hành vi trái với đạo đức như tổ chức thi đấu “tỉ thí mua vui” để làm nhục người khác; chửi bới lăng mạ đối phương là những hành vi trái với thuần phong mỹ tục; sử dụng trang phục, âm thanh, hình ảnh và ngôn ngữ trái với bản sắc văn hoá dân tộc là những hành vi bị nghiêm cấm.

2. Sử dụng chất kích thích, phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao. Trong tập luyện và thi đấu thể thao cấm sử dụng các chất kích thích có trong danh mục các chất “Doping” do Hiệp hội phòng, chống Doping thế giới quy định mà Việt Nam là nước thành viên đã phê chuẩn Công ước Copenhagen về phòng, chống Doping trong thể thao. Các phương pháp huấn luyện VĐV thiếu cơ sở khoa học đã bị cấm sử dụng gồm các phương pháp gây hậu quả xấu tới sức khoẻ VĐV sau khi không còn tập luyện thi đấu nữa, hoặc những phương pháp gây phản cảm không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc ảnh hưởng an ninh trật tự an toàn xã hội.

3. Gian lận trong hoạt động thể thao. Mọi hành vi gian lận trong hoạt động thể thao đều bị nghiêm cấm như gian lận tên, tuổi, giới tính để giành thành tích không đúng với quy định của điều lệ giải; sử dụng dụng cụ thi đấu không đúng quy định; tính thành tích gian dối để được tuyển chọn vào các đội tuyển thể thao, các trường lớp năng khiếu thể thao; làm giả giấy tờ để tham dự giải đấu.

4. Bạo lực trong hoạt động thể thao bị nghiêm cấm bao gồm các hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo giữa các VĐV với nhau trong tập luyện, thi đấu thể thao vượt giới hạn được quy định bởi quy tắc (luật thi đấu) thi đấu của từng môn thể thao; hành vi bạo lực giữa các cổ động viên với nhau và với VĐV, người hâm mộ khác. Các hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao được biểu hiện bằng hành động, lời nói tác động tâm lý như đe doạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động TDTT, bạo lực điển hình nhất là tấn công xâm phạm thân thể người khác bằng vũ lực trong các hoạt động thể thao.

5. Cản trở hoạt động TDTT hợp pháp của tổ chức, cá nhân như: Không tổ chức các hoạt động TDTT cho các tổ chức cá nhân liên quan; không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình. Lạm dụng quyền hoặc dùng ảnh hưởng của mình để ngăn cản hoặc tìm mọi cách khác ngăn cản việc tham gia tập luyện môn  thể thao nào đó của tập thể, cá nhân; gây khó khăn cho việc tổ chức tập luyện, kinh doanh hoạt động thể thao của tổ chức cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào là những hành vi bị nghiêm cấm.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao: Hành vi chỉ đạo hoặc trực tiếp làm sai lệch hồ sơ thi đấu của VĐV để cho VĐV thi đấu không đúng với đối tượng trong quy định của điều lệ giải; chỉ đạo hoặc trực tiếp móc ngoặc, hối lộ, dàn xếp, mua bán tỉ số dẫn đến kết quả thi đấu không trung thực; dùng áp lực của cấp trên hoặc lợi dụng uy quyền của cấp trên ép người thi hành nhiệm vụ làm sai lệch kết quả thi đấu; ép VĐV sử dụng chất kích thích bị cấm.  

Hành vi lợi dụng hoạt động thi đấu thể thao để tổ chức hoặc trực tiếp tham gia đánh bạc trái phép dưới các hình thức như cá độ, đặt cược... là những hành vi bị nghiêm cấm.  

Vũ Trọng Lợi

Ảnh trong bài
  • Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TDTT và vi phạm, xử lý vi phạm pháp luật về TDTT