Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm phải gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy tại buổi làm việc với đoàn cán bộ UBND tỉnh Ninh Thuận diễn ra tại Hà Nội vào chiều ngày 16/8 nhằm bàn về công tác tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI, năm 2024 tại tỉnh Ninh Thuận.

Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước", Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI năm 2024 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 27 – 29/9 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) với sự tham gia của 9 tỉnh, thành phố như Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo buổi làm việc 

Hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh thuộc khu vực này.

Bên cạnh đó, các hoạt động tại sự kiện còn có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Chăm trong bối cảnh hiện nay.

Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động như: trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Chăm; triển lãm đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam; trưng bày ảnh về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; triển lãm tranh mỹ thuật về văn hoá dân tộc Chăm...

Đây là những hoạt động ý nghĩa, góp phần tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế; tăng cường quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển.

Quang cảnh buổi làm việc 

Theo chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung: công tác chuẩn bị cho ngày hội đang được các đơn vị triển khai trên tinh thần nghiêm túc, khẩn trương; tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, con người để tạo điều kiện tốt nhất có thể đối với các tỉnh đến tham dự.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng khẳng định: thông qua việc tổ chức ngày hội, Ninh Thuận sẽ nỗ lực quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm; thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bằng những sản phẩm du lịch độc đáo. Để ngày hội diễn ra thành công, tạo được dấu ấn tốt đẹp, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao cho các Sở, ngành trong tỉnh cùng phối hợp công tác chuẩn bị, giúp các hoạt động diễn ra sôi nổi, đặc sắc, hướng đến trải nghiệm của du khách.

Các địa phương cũng sẽ phải lựa chọn các nghệ nhân, diễn viên, VĐV tiêu biểu là đồng bào dân tộc Chăm để tham gia các hoạt động tại ngày hội, góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, cùng các ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bên trong việc chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI, năm 2024. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh, đồng bào tham gia ngày hội phải có sự đầu tư kỹ lưỡng cho các tiết mục trình diễn; đảm bảo tính chính xác trong việc tái hiện những nét đẹp văn hoá. Việc tổ chức các hoạt động của ngày hội phải trang trọng, quy mô gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, khu vực và địa phương. Đảm bảo tính thống nhất, khoa học, linh hoạt trong công tác chỉ đạo giữa Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố tham gia ngày hội. Các hoạt động phải mang tính cộng đồng, đề cao vai trò của chủ thể văn hoá, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phải gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại.

Góp ý riêng đối với chương trình nghệ thuật đêm Khai mạc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh: Đó phải là chương trình làm nổi bật những biểu tượng trong văn hoá của đồng bào dân tộc Chăm. Nội dung kịch bản phải khắc họa, ca ngợi truyền thống văn hóa, lịch sử của đồng bào dân tộc Chăm trong quá trình dựng nước, giữ nước; nêu bật tinh thần đại đoàn kết của đồng bào dân tộc Chăm trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất được đặt ra tại buổi làm việc, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL chủ động phố hợp với các bên liên quan của tỉnh Ninh Thuận để triển khai thực hiện, cũng như tháo gỡ vướng mắc.

N.H, Ảnh: V.Duy

Ảnh trong bài
  • Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm phải gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại
  • Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm phải gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại