Chủ trì buổi làm việc có đồng chí Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL, Hội Khuyến học Việt Nam cùng các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Báo cáo về kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện kết luận 49-KL/TW, bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Với sự phối hợp, hưởng ứng tích cực của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, nhất là sự vào cuộc tại các địa phương, Bộ VHTTDL đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc tiếp tục đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời; củng cố cơ sở hạ tầng, mạng lưới thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức tổ chức hoạt động, dịch vụ phục vụ học tập suốt đời phù hợp với đối tượng từng vùng, miền, địa phương nhằm nâng cao năng lực tự học, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đã đạt được các kết quả quan trọng.
Để triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, Bộ VHTTDL tập trung hoàn thiện các văn bản thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm chỉ đạo về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phát huy, sử dụng có hiệu quả các thiết chế thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa theo hướng chú trọng xây dựng môi trường không gian, tổ chức hoạt động học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân - những chủ thể của văn hóa tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.
Quang cảnh buổi làm việc
Hệ thống thư viện đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, phát huy nguồn lực thông tin tư liệu hiện có, làm mới các dịch vụ truyền thống, mở rộng các dịch vụ mới, chú trọng việc xây dựng thói quen, hướng dẫn, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc hỗ trợ việc học tập suốt đời của người dân. Hàng năm các chỉ tiêu, chỉ số về phát triển văn hóa đọc đều có sự gia tăng trung bình từ 10% trở lên, số thẻ bạn đọc tại các thư viện công cộng tăng hàng năm từ 8% đến 10%, tổng số bạn đọc đến thư viện tăng từ 20 đến 30%, tổng số sách, báo luân chuyển tại thư viện công cộng tăng từ 25 đến 30%…
Các Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp xã đã được quan tâm đầu tư xây dựng và phát huy trong công tác duy trì, tổ chức biểu diễn văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động thường xuyên, từng bước mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí, nâng cao thể lực, sức khỏe, phát triển thể chất của người dân. Các Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn có nội dung hoạt động đa dạng phong phú, gắn bó thiết thực với đời sống cộng đồng, là nơi sinh hoạt chính trị - xã hội.
Đối với công tác phát triển và nâng cao nguồn nhân lực, Bộ VHTTDL đã luôn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành VHTTDL trong các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ thông qua việc triển khai cụ thể hóa các nội dung liên quan vào chương trình đào tạo của các trường, lồng ghép trong các hội nghị đào tạo hàng năm đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ nhằm thực hiện hiện quả công tác khuyến học, khuyến tài góp phần xây dựng xã hội học tập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các thiết chế thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, ưu tiên tuyển dụng cán bộ có năng lực chuyên môn, yêu nghề, trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị, năng động, biết khai thác và phục vụ thông tin, tri thức, có khả năng sáng tạo văn hóa quần chúng trong nhân dân.
Bà Kiều Thúy Ngan nhấn mạnh: trong 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 49-KL/TW, một số mô hình, cách làm hay của ngành VHTTDL đã đem lại những kết quả thiết thực, góp phần nâng cao dân trí, xã hội học tập ở Việt Nam, điển hình như: mô hình Không gian chia sẻ S.hub tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, mô hình xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” trong hệ thống thư viện; mô hình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mô hình chương trình tại Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội trong hệ thống bảo tàng; mô hình hoạt động tại Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh Bến Tre, mô hình hoạt động tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận trong hệ thống trung tâm văn hóa.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Kết luận 49-KL/TW vẫn còn một số bất cập, như nhận thức về vai trò của các thiết chế văn hóa đối với xã hội và thúc đẩy học tập suốt đời còn hạn chế; hoạt động đầu tư, nâng cấp các thiết chế chưa thực sự được quan tâm đúng mức; kinh phí triển khai chưa được bố trí độc lập; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm việc trong thư viện và các thiết chế văn hóa tại các địa phương còn hạn chế; chế độ đãi ngộ nhân sự thấp; công tác phối hợp thực hiện giữa các ngành, kiểm tra việc thực hiện còn mang tính tự phát, thiếu sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.
Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác đã thảo luận, đánh giá, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến sự phối kết hợp giữa các bộ, ban, ngành trong quá trình thực hiện.
Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam đã nhận định: Ban cán sự Đảng cùng với lãnh đạo Bộ VHTTDL, các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ đã quán triệt nghiêm túc các Kết luận 49-KL/TW gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của ngành; đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có cách làm sáng tạo; công tác đào tạo nguồn nhân lực trong Bộ VHTTDL và đạo tạo nguồn nhân lực tham gia xã hội được chú trọng, quan tâm; thiết chế văn hóa của cộng đồng cơ sở hoạt động, sự phối hợp với các lực lượng trong xã hội để làm văn hóa và khuyến học ngày một tốt hơn.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đồng thời phối hợp với các ngành đưa ra tiêu chí văn hóa thực hiện khuyến học, khuyến tài, đặc biệt trong các chương trình nông thôn mới và xây dựng đô thi văn minh; đánh giá hoạt động của cấp ủy, các cơ quan từ đó rút kinh nghiệm trong chỉ đạo hoạt động khuyến học, khuyến tài trong lĩnh vực VHTTDL; quan tâm trong chỉ đạo hướng dẫn cơ sở thông qua các mô hình, kinh nghiệm hay để mọi người dân cùng học tập, từ đó góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Đặc biệt, cần chỉ đạo Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, các tổ chức đoàn thể thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các đảng viên về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, để mỗi đảng viên trở thành công dân hiếu học, mỗi gia đình đảng viên trở thành gia đình hiếu học.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo các đơn vị, cơ quan tham mưu để hoàn thiện báo cáo, bổ sung đầy đủ các số liệu trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi làm việc
Đồng thời sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo Kết luận của Ban Bí thư; bổ sung đánh giá về hiệu quả hoạt động của cấp ủy Đảng trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí, đặc biệt là trong đảng viên và các cấp cơ sở Đảng. Bởi, mỗi đảng viên của Bộ VHTTDL làm tốt Kết luận của Ban Bí thư sẽ tạo được sự lan tỏa tích cực trong toàn ngành.
MH, Ảnh: Toquoc