Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, Đề án chuyển đổi số ngành TDTT giai đoạn 2025 - 2027, định hướng đến năm 2030 được xây dựng, bám sát định hướng của Chính phủ, các Quyết định, Thông tư của Bộ VHTTDL, Bộ TTTT. Đề án xác định 6 mục tiêu lớn trong chuyển đổi số ngành TDTT gồm: Chuyển đổi nhận thức, Kiến tạo thể chế, Phát triển hạ tầng số, Phát triển nền tảng số, Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan quản lý nhà nước và Đảm bảo an toàn thông tin.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì buổi làm việc
Đề án tập trung phân tích, đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành và tác nghiệp thuộc lĩnh vực TDTT.
Cụ thể, nguồn nhân lực hiện tại phục vụ cho công tác chuyển đổi số vẫn còn thiếu, yếu. Hạ tầng CNTT tại Cục TDTT hầu hết đã cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp, có những trang thiết bị đã hết khấu hao… Các ứng dụng, phần mềm được đầu tư xây dựng đã lâu, quy mô nhỏ lẻ trên nhiều nền tảng không tương đồng, tồn tại nhiều lỗi… Vì vậy, việc xây dựng Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT ở giai đoạn tới là rất cấp thiết cần phải sớm được phê duyệt và đưa vào triển khai.
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục TDTT thay mặt lãnh đạo Cục TDTT tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các thành viên dự họp
Bên cạnh đó, Đề án cũng tiến hành nghiên cứu các tài liệu, các mô hình, xu hướng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên thế giới cũng như tại Việt Nam; các giải pháp chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục TDTT. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số theo 3 trụ cột chính gồm: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Riêng ngành TDTT, công tác chuyển đổi số tập trung vào 3 mảng trọng tâm: Thể thao thành tích cao, Thể thao chuyên nghiệp và Thể thao cho mọi người.
Theo kế hoạch, Đề án sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2025 – 2027 sẽ tập trung vào mục tiêu chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước. Giai đoạn này sẽ tiến hành chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế thông qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, ban hành các Quy chế nhằm tạo điều kiện cho triển khai các giải pháp chuyển đổi số thành công. Hiện đại hóa hạ tầng CNTT đảm bảo an toàn thông tin cấp độ 3; kịp thời số hóa, thu thập, tạo lập cơ sở dữ liệu nền tảng (dữ liệu VĐV, dữ liệu giải đấu, dữ liệu thành tích…) và triển khai một số hệ thống ứng dụng nền tảng như: kho dữ liệu, hệ thống kết nối & chia sẻ dữ liệu, hệ thống định danh và xác thực tập trung.
Ông Lê Hồng Phong - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Bộ VHTTDL đóng góp ý kiến cho Đề án
Giai đoạn 2 từ 2028 – 2030 tập trung vào mục tiêu chuyển đổi số trong công tác huấn luyện, tập luyện thể thao. Trong giai đoạn này, cơ sở hạ tầng CNTT sẽ được nâng cấp phù hợp để triển khai các ứng dụng mới. Các đơn vị liên quan sẽ triển khai một số giải pháp hỗ trợ chuyên môn trong công tác huấn luyện TDTT cùng các giải pháp phục vụ cho việc tập luyện thể thao cho mọi người và các giải đấu thể thao trực tuyến.
Quang cảnh buổi làm việc
Trên cơ sở những kế hoạch, chiến lược được đưa ra, tại buổi họp, đại diện các đơn vị đã có những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Đề án để nhanh chóng trình lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt. Hầu hết các ý kiến đều xoay quanh việc đề nghị làm rõ các mục tiêu, thống nhất các giai đoạn đã đề ra trong Đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Đề án chuyển đổi số là nhiệm vụ vô cùng quan trọng cần phải nhanh chóng hoàn thiện, sớm ban hành và đưa vào triển khai trong thực tiễn; tổ soạn thảo Đề án, Ngành TDTT cân nhắc xem xét việc xác định mốc thời gian của từng giai đoạn triển khai để đảm bảo phù hợp những điều kiện về xây dựng ngân sách được cấp trong những năm tới của Bộ VHTTDL và Cục TDTT.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Cục TDTT trong việc xây dựng Đề án. Tuy nhiên, việc xây dựng Đề án cần kĩ lưỡng, chi tiết và cẩn trọng hơn. Để làm tốt việc này, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan như: Trung tâm Thông tin - Truyền thông TDTT (Cục TDTT), đơn vị tư vấn, Vụ Pháp Chế, Vụ Kế hoạch -Tài chính, Trung Tâm CNTT của Bộ cần phối hợp chặt chẽ hơn để Đề án đạt được hiệu quả như mong muốn. Và nếu được đưa vào triển khai, Đề án chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển biến cả về chất và lượng.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị được giao xây dựng Đề án, trong thời gian tới cần tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp từ các thành viên dự họp, sau đó gửi xin ý kiến các đơn vị liên quan để Đề án sớm được hoàn thiện một cách đầy đủ nhất. Muộn nhất trong tháng 8 phải hoàn thiện văn bản trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định và phê duyệt .
N.H, Ảnh: V. Duy