Ngay khi thông tin Tổng Bí thư từ trần được công bố, những nhà văn hóa, văn nghệ sĩ đã có những chia sẻ bày tỏ sự kính trọng đối với một nhân cách lớn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các chức sắc tôn giáo, các nhà khoa học, nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu… dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Ảnh: TRẦN HUẤN
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thổi luồng gió văn hóa vào công cuộc Đổi mới để phát huy những thành tựu của cách mạng Việt Nam”
Sức mạnh của truyền thống Việt Nam là sức mạnh về văn hóa. Những người làm nên lịch sử đều là những nhà văn hóa hoặc những người biết sử dụng sức mạnh của văn hóa. Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh… đều là những người như thế.
Cùng với Hồ Chí Minh, các học trò của Người như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… đều là những nhà sử học, nhà văn hóa. Những cuộc chiến thắng chống ngoại xâm từ phong kiến Trung Hoa, qua Pháp đến Mỹ đều là chiến thắng nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh quân sự và văn hóa…
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
Là một chính khách xuất thân từ lò đào tạo khoa học xã hội và nhân văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thổi luồng gió văn hóa vào công cuộc Đổi mới để phát huy những thành tựu của cách mạng. Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày 25.7.2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật xứng tầm với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu cao tinh thần quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14.12.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định yêu cầu xây dựng và phát triển nền đối ngoại Việt Nam hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc với trường phái “Ngoại giao cây tre Việt Nam”.
Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngành Văn hóa hiện đang tích cực xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần đưa đất nước tiến đến xã hội hạnh phúc và phồn vinh, văn hóa và văn minh.
TS.NSND Hà Thế Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam: “Sự quan tâm của Tổng Bí thư đối với ngành Văn hóa đã truyền lửa cho các thế hệ văn nghệ sĩ”
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát to lớn đối với đất nước và Nhân dân. Với ngành Văn hóa nói chung, Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo để Văn hóa ngày càng được chú trọng, ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội,…
Đặc biệt với đội ngũ văn nghệ sĩ, Tổng Bí thư đã có sự quan tâm, lo lắng và chỉ đạo sâu sát. Bằng những chỉ đạo thực tiễn của Tổng Bí thư đối với ngành Văn hóa, văn nghệ sĩ đã có được sự ghi nhận bằng các giải thưởng, được tôn vinh sớm hơn, động viên rất nhiều cho anh em làm nghề.
TS.NSND Hà Thế Dũng
Không chỉ quan tâm đến những vấn đề về thành tích, danh hiệu, Tổng Bí thư còn chăm lo đời sống, chế độ chính sách cho văn nghệ sĩ, chế độ trợ cấp đối với những văn nghệ sĩ có cống hiến lâu năm…
Điều quan trọng nhất, những chỉ đạo, việc làm của Tổng Bí thư đã làm cho đội ngũ văn nghệ sĩ có lòng tin đối với Đảng, với Nhà nước và từ đó phát huy sức sáng tạo nghệ thuật.
Đây là những giá trị để đời, không phải chỉ là văn nghệ sĩ mà toàn dân luôn biết ơn công lao của đồng chí Tổng Bí thư, một người sống “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, được thấm nhuần từ tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, những việc làm của Tổng Bí thư đã khơi nguồn, truyền lửa cho các thế hệ văn nghệ sĩ.
Tôi đã vô cùng xúc động khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những lời tâm huyết, chỉ đạo sát sao trong Thư chúc mừng ngành Văn hóa nhân kỷ niệm 78 năm thành lập. Đặc biệt, tôi cho rằng sự quan tâm của Tổng Bí thư đối với văn hóa cũng như đối với đội ngũ làm công tác văn hóa như vậy là rất kịp thời.
Tôi muốn nhấn mạnh đến tính kịp thời của bức thư cũng như những tình cảm, tâm tư mà Tổng Bí thư dành cho Văn hóa. Những lời động viên, chỉ đạo của Tổng Bí thư lúc này thực sự ý nghĩa đối với giới văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Được nghe những lời ghi nhận đầy trân trọng và những chỉ đạo thiết thực, sát sao, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để sẵn sàng “tay trong tay”, đoàn kết nỗ lực phát triển.
Đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc: “Mong muốn hình tượng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ‘sống lại’ trên sân khấu”
Nói về sự quan tâm, sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đối với ngành Văn hóa, tôi cho rằng vô cùng lớn lao, và dường như đó là điều đương nhiên cần phải như vậy. Vì sao tôi nói thế, bởi vì tất cả những việc làm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, với tư cách Tổng Bí thư, là tấm gương nói đi đôi với làm, lời nói của đồng chí lan tỏa đến mọi người, mọi ngành, trong đó đặc biệt là ngành Văn hóa.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến chủ trương chống tham nhũng của Tổng Bí thư, đã để lại trong Nhân dân sự kính trọng đặc biệt. Và việc làm đó rất có hiệu quả, tác động đến không chỉ kinh tế xã hội mà cả đời sống văn hóa.
Đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất khiêm tốn, chúng ta không thể thấy hết những việc mà đồng chí đã làm, đã trăn trở, suy nghĩ… Nhưng điều mà chúng ta dễ thấy nhất là Tổng Bí thư đã lãnh đạo đất nước ta trong thời kỳ rất khó khăn, phức tạp, nhưng vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành Văn hóa. Đồng chí đã làm, rất khéo léo, đưa nước ta vào vị trí ngang tầm với các nước khác, lan tỏa hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới…
Trong nỗi buồn, mất mát lớn của những người làm văn hóa, văn nghệ, mong muốn rằng lực lượng văn nghệ sĩ dù ở vai trò nào, trong sáng tạo nghệ thuật, làm sao đưa được hình ảnh của một đồng chí Tổng Bí thư - một tấm gương sáng để cho tất cả người dân được học tập. Tôi mong muốn khán giả sẽ được thấy hình ảnh vị Tổng Bí thư trên sân khấu. Đây là trách nhiệm của các tác giả, là việc làm rất có ích cho văn hóa của đất nước.
Thùy Trang (Báo Văn hóa)