Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nghe báo cáo về công tác VHTTDL

Sáng 18/,7 tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông; Trịnh Thị Thủy; Hoàng Đạo Cương; Hồ An Phong; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cuong báo cáo những điểm sáng ở lĩnh vực thể thao

Báo cáo Phó Thủ tướng về kết quả đạt được 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh vào những kết quả nổi bật như: Bộ đã làm tốt vai trò tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự phát triển của ngành. Trong công tác tham mưu, Bộ VHTTDL đã chọn đúng, trúng, làm có trọng tâm, trọng điểm. 

Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng và có chuyển biến tích cực. 6 tháng đầu năm 2024, Bộ VHTTDL đã xây dựng, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền 2 dự án Luật (Luật Di sản văn hóa sửa đổi, Luật Quảng cáo sửa đổi) và 3 Nghị định.

Về lĩnh vực văn hóa, xác định xây dựng văn hóa là công việc lâu dài, Bộ VHTTDL đã tập trung vào công tác xây dựng môi trường văn hóa, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm để tác nghiệp, bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa. Bộ trưởng cũng chỉ ra những ví dụ tiêu biểu như gương "Trưởng thôn thân thiện" tại thủ đô Hà Nội; mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu" tại Vĩnh Phúc; mô hình "Phát triển Câu lạc bộ bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh" tại Nghệ An...

Thêm một điểm nhấn trong lĩnh vực văn hóa đó là thành công của Hội thảo khoa học quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới". Sự kiện đã tạo tiền đề để 63/63 tỉnh đều có các kế hoạch, nghị quyết chuyên đề phát huy giá trị, tiềm năng văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của con người ở mỗi vùng đất.

Bên cạnh đó, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng tiếp tục được tổ chức góp phần quảng bá, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa (nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một), đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Cng tác đối ngoại về văn hóa được triển khai đồng bộ, từng bước đi vào chiều sâu, góp phần chung trong thành tựu đối ngoại của đất nước. Các hoạt động xúc tiến, các ngày văn hóa, tuần văn hóa đã được triển khai một cách trọng điểm, gắn với các sự kiện, nhiệm vụ chính trị.

Ở lĩnh vực du lịch, Bộ VHTTDL tập trung khai thác, mở rộng thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm, tiềm năng để thu hút khách du lịch. Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế có dấu hiệu tăng, có những thị trường đã phục hồi và vượt qua các con số thống kê thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Nhiều địa phương đã có những sản phẩm du lịch đặc trưng, có sự kết nối trong việc phát triển vùng.

Về TDTT, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ VHTTDL phối hợp với các địa phương tổ chức 14 giải thể thao quần chúng cấp quốc gia. Thể thao thành tích cao giành được nhiều thành tích ấn tượng tại các giải thể thao quốc tế. Đặc biệt, Thể thao Việt Nam đã có 16 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Thể thao cho mọi người được quan tâm, chú trọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng báo cáo Phó Thủ tướng về những khó khăn, thách thức và quan hệ có tính mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn giữa nhận thức của xã hội với chức năng, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL; Mâu thuẫn giữa mục tiêu cần hướng đến và nguồn lực được phân bổ cho mục tiêu này còn khó khăn. Thêm vào đó là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Văn hóa đang còn đang thiếu, đặc biệt là những chuyên gia đầu ngành trong quản lý, nghiên cứu sâu về văn hóa, nghệ thuật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: chưa bao giờ ngành VHTTDL đón nhận nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ như hiện nay. Chính vì vậy, để làm tốt hơn công tác VHTTDL 6 tháng cuối năm cũng như trong thời gian tới, Bộ VHTTDL và toàn ngành sẽ tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý từ "làm văn hóa" sang " quản lý Nhà nước về văn hóa", triển khai nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt.

Để hoàn thành các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2024 và cuối nhiệm kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, toàn ngành chú trọng thực hiện "3 quyết tâm, 4 chủ động, 5 hiệu quả".

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cuong đã chỉ rõ những điểm sáng ở lĩnh vực thể thao như: Bộ đã trình Chính phủ Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn liền với thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nghe báo cáo về công tác VHTTDL

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành VHTTDL trong thời gian qua. Nỗ lực của toàn ngành VHTTDL đã được thể hiện rõ thông qua những con số và điểm sáng được nêu bật trong báo cáo. Kết quả thời gian qua cũng cho thấy nhiều khởi sắc trên từng lĩnh vực. Điều quan trọng là bước chuyển đổi về tư duy, nhận thức.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng Bộ VHTTDL là Bộ quản lý đa lĩnh vực. VHTTDL vốn có nhiều đặc thù, vì vậy, công tác quản lý, định hướng, điều phối ở từng lĩnh vực cũng có nhiều cái khó, đòi hỏi sự hài hòa, phù hợp, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL tiếp tục phát huy kết quả đạt được, lựa chọn những việc khả thi trước mắt cũng như có định hướng tiếp tục với các công việc lâu dài.

A.T, ảnh XT

Ảnh trong bài
  • Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nghe báo cáo về công tác VHTTDL
  • Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nghe báo cáo về công tác VHTTDL
  • Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nghe báo cáo về công tác VHTTDL