Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác Chuyển đổi số và Đề án 06

Chiều 10/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về Đề án Chuyển đổi số; Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về Chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết hợp với trực tuyến tại đầu cầu các Bộ, Ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điểm cầu Bộ VHTTDL có sự tham gia điều hành của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người.  Nhiệm vụ then chốt của đất nước về phát triển , thúc đẩy, tạo thêm động lực cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội đều có quan hệ mật thiết đến Chuyển đổi số. Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những “điểm sáng”, “mô hình hay” của Chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Trực tiếp (Ảnh: V. Duy)

Bộ Thông tin và truyền thông đã báo cáo kết quả thực hiện Chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; Bộ Công an báo cáo những thành tựu đạt được qua 6 tháng triển khai Đề án 06.

Theo đó, Chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả nổi bật: dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%); 63/63 địa phương đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Nền kinh tế đất nước sau 6 tháng vượt qua khó khăn, thách thức đã đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực CNTT ((kinh tế số ICT) ước đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm 2023...

Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng được thêm 1 Trung tâm dữ liệu hiện đại nhất cả nước của Tập đoàn Công nghiệp – viễn thông quân đội (Viettel) với công suất 30MW.

Các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động: 256/tổng số 896 thôn, bản lõm sóng, có điện; đạt tỷ lệ 28,6%. Sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ: 100% các bộ, ngành đã sử dụng.

Bên cạnh mặt ưu điểm, công tác Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 vẫn còn những mặt hạn chế: tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng Dịch vụ công trực tuyến mới đạt 48%; trung tâm điều hành thông minh chưa có kịch bản điều hành dựa trên dữ liệu; chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để dữ liệu trở thành đầu vào cho nền kinh tế; việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ CNTT, chuyển đổi số trong khu vực công… Đối với Đề án 06, còn một số nhiệm vụ của các bộ, ngành chưa hoàn thành; nhiều hệ thống thông tin chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí an toàn, an ninh mạng...

Hội nghị cũng đã tiến hành thảo luận thông qua các báo cáo từ nhiều đơn vị như: Bộ Công Thương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...nhằm đưa ra những phân tích, đánh giá khách quan về những mặt đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, những vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách; Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện (phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển CSDL quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn; đào tạo và phát triển nhân lực; các mô hình, cách làm hay của một số bộ, ngành, địa phương...) và xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá cho những tháng cuối năm 2024.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trực tiếp tham dự Hội nghị cùng các đại biểu tại điểm cầu Bộ VHTTDL 

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm vai trò to lớn của Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổ soạn thảo cũng không ngừng tiếp thu những đóng góp, bổ sung giải pháp nhằm nỗ lực điều hành việc thực hiện bài bản hơn, hiệu quả hơn. Trên cơ sở những kết quả đạt được càng khẳng định sự quan tâm và ủng hộ của nhân dân ngày một cao.

Cũng theo Thủ tướng, Đề án 06 chính là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những “điểm sáng”, “mô hình hay” của Chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc Chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh Chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Cùng với đó, người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao việc triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.

Thủ tướng cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Còn có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ; có những việc chúng ta nhìn thấy “nguy cơ” khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở...

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cũng cầu Hội nghị xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá cho những tháng cuối năm 2024 cũng như thời gian tới. Trong đó, tập trung giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội nói chung; đẩy mạnh xây dựng, kết nối, tích hợp, chia sẻ các nền tảng số và cơ sở dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ...

Minh Phương, Ảnh: V. Duy

Ảnh trong bài
  • Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác Chuyển đổi số và Đề án 06
  • Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác Chuyển đổi số và Đề án 06