Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông
Với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống doping, ngăn chặn việc VĐV sử dụng các chất cấm và các phương pháp cấm trong hoạt động thể thao; bảo vệ quyền và nghĩa vụ của VĐV để hướng đến vì một nền thể thao lành mạnh, công bằng, không doping. Bởi vậy, công tác giáo dục, truyền thông là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.
Theo Thông tư, công tác giáo dục, truyền thông sẽ tập trung vào các nội dung, như: các nguyên tắc và giá trị liên quan đến thể thao trong sạch; Quyền và trách nhiệm của VĐV, người hỗ trợ VĐVvà các nhóm khác theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới; Nguyên tắc về trách nhiệm nghiêm ngặt; Hậu quả của việc sử dụng doping đến sức khỏe thể chất và tinh thần, ảnh hưởng xã hội, kinh tế và các biện pháp xử phạt; Hành vi vi phạm quy định phòng, chống doping.
VĐV, HLV cập nhật những kiến thức quan trọng về phòng, chống doping
Đồng thời, giáo dục, truyền thông các chất cấm và phương pháp cấm trong danh sách cấm; Rủi ro khi sử dụng thực phẩm bổ sung; Sử dụng thuốc và Miễn trừ do điều trị; Quy trình kiểm tra doping, bao gồm nước tiểu, máu và hộ chiếu sinh học vận động viên; Yêu cầu của nhóm đăng ký kiểm tra doping, bao gồm cả khai báo nơi ở, nơi tập luyện và việc sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng, chống doping. Lên tiếng để chia sẻ những lo ngại về doping.
Trong thời gian qua, công tác giáo dục, truyền thông đã và đang được triển khai thực hiện thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng, chống Doping cho các đối tượng cán bộ quản lý huấn luyện, HLV, VĐV tại các Trung tâm HLTTQG; Tổ chức truyền thông, truyên truyền hướng dẫn VĐV, HLV về công tác phòng, chống doping ngay tại các địa điểm thi đấu của các giải vô địch quốc gia; xây dựng trang Fanpage của Trung tâm phòng, chống Doping Quốc gia để cung cấp những kiến thức quan trọng về phòng, chống doping giúp VĐV, HLV có thể truy cập và theo dõi dễ dàng. Qua đó, tăng cường nhận thức và sự cảnh giác trong việc bảo vệ tính công bằng trong thể thao và sức khỏe của VĐV.
Tăng cường công tác kiểm tra doping
Với điều kiện còn nhiều hạn chế, ngành TDTT chưa thể triển khai các hoạt động kiểm tra doping xác suất tất cả các VĐV đang tập luyện và thi đấu, cũng như các giải thi đấu trong một năm. Bởi vậy, trong điều lệ, quy định tổ chức các giải thể thao cần bổ sung quy định kiểm tra Doping tại một số giải thể thao trọng điểm, các giải trong hệ thống thi đấu của Olympic và kiểm tra không báo trước đối với toàn bộ nhóm VĐV được đào tạo tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia
Về vấn đề này, Thông tư quy định rõ tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam có quyền kiểm tra doping đối với mọi VĐV theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới. Cơ quan quản lý VĐV, Ban tổ chức các giải thi đấu thể thao đề nghị Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam kiểm tra doping VĐV trong trường hợp cần thiết theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.
Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng tổ chức tập huấn công tác phòng, chống doping
Trong trường hợp các Liên đoàn thể thao quốc tế ủy quyền hoặc yêu cầu kiểm tra doping, Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam phối hợp với các Liên đoàn thể thao liên quan thực hiện kiểm tra doping theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.
Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch và tổ chức thực hiện lấy mẫu kiểm tra doping, đồng thời bảo đảm quy trình lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu tuân thủ các quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan. Người lấy mẫu kiểm tra doping phải qua tập huấn và có chứng nhận theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và tiêu chuẩn quốc tế có liên quan.
Đối với các VĐV có kết quả phân tích mẫu nghi ngờ vi phạm doping, việc thông báo kết quả thực hiện theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế liên quan. VĐV có hồ sơ bệnh án bắt buộc sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm để điều trị cần được chấp thuận đơn miễn trừ do điều trị theo quy định của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới và Tiêu chuẩn quốc tế về Miễn trừ do điều trị. VĐV không vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới khi các chất cấm hoặc phương pháp cấm bị phát hiện trong mẫu thử hoặc sở hữu nếu họ có đơn miễn trừ do điều trị phù hợp cho phép sử dụng chất cấm hoặc phương pháp cấm như yêu cầu.
Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống doping
Để công tác phòng, chống doping đạt hiệu quả cao, công tác phối kết hợp cùng sự chung tay, góp sức của tất cả các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thể thao là rất quan trọng.
Theo đó, Thông tư quy định rõ Cục TDTT có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền văn bản, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Tổ chức bồi dưỡng và tăng cường nhân lực tham gia phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, hỗ trợ kinh phí và trao đổi thông tin liên quan đến phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.
Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam phải tuân thủ vai trò và trách nhiệm được quy định tại Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế. Chịu trách nhiệm chủ trì, thực hiện công tác phòng, chống doping tại Việt Nam. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên về lấy mẫu kiểm tra doping, phát triển chương trình giáo dục, truyền thông, phòng, chống doping.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo chí thuộc Bộ VHTTDL thực hiện công tác giáo dục, truyền thông phòng, chống doping. Hướng dẫn các VĐV cung cấp thông tin chính xác và cập nhật về nơi ở và tập luyện, hồ sơ miễn trừ do điều trị và các biểu mẫu khác theo đúng Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các tiêu quốc tế có liên quan.
Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam có trách nhiệm quản lý và bảo vệ dữ liệu về phòng, chống doping theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân và quy định của pháp luật Việt Nam. Phối hợp với các cơ quan phòng, chống doping và các tổ chức quốc tế tăng cường công tác phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận xử lý vi phạm về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.
Các Sở VHTTDL; Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và phối hợp với Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam tổ chức thực hiện, giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống doping đối với VĐV, HLV, nhân viên y tế thuộc phạm vi quản lý. Xử lý theo thẩm quyền đối với VĐV, HLV, cá nhân có liên quan vi phạm quy định về phòng, chống doping. Hàng năm báo cáo Cục TDTT về công tác phòng, chống doping tại địa phương.
Ủy ban Olympic Việt Nam, Hiệp hội Paralympic Việt Nam và các Hội thể thao quốc gia phải xây dựng quy tắc hành nghề và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của VĐV, HLV, trọng tài thể thao gắn với việc phòng, chống doping. Phối hợp với Tổ chức phòng chống doping tại Việt Nam tổ chức tập huấn tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về công tác phòng, chống doping cho cán bộ, nhân viên y tế, HLV, VĐV tham gia luyện tập và thi đấu thể thao. Có hình thức xử lý bổ sung theo quy định tại Điều lệ của tổ chức nếu xét thấy cần thiết đối với VĐV, HLV và cán bộ thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống doping ngoài quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới. Các Hội thể thao quốc gia có trách nhiệm phối hợp với Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam điều tra, cung cấp thông tin liên quan tới hành vi vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.
Thông tư cũng quy định rõ, trách nhiệm của VĐV phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các quy định pháp luật về phòng, chống doping của Việt Nam. Các VĐV phải thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin về các chất bị cấm và phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao và quy định về Miễn trừ do điều trị. Chấp hành nghiêm kết luận xử lý vi phạm. Phối hợp với Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam điều tra về vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.
KC, Ảnh: VADC